Thi đàn Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc tập truyện ngắn " Tình yêu người lính "của Nhà thơ Phan Huy Lũng



THAY LỜI TỰA
      Cuộc tổng tiến công đại thắng mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch “Hồ Chí Minh” đã ghi những trang sử vàng trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc. Đã có hàng triệu thanh niên cả nước tình nguyện tham gia quân đội, đi hàng đầu trên trận tuyến, đối mặt với kẻ thù không đội trời chung. Trong số đó có một bộ phận không nhỏ là lớp thanh niên tri thức.
      Họ là những nam nữ thanh niên đã được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, có kiến thức khoa học kỹ thuật, được rèn luyện và trưởng thành trong quân đội. Những tháng năm sống và chiến đấu trên mọi miền của Tổ Quốc, họ đã phải hy sinh cả về vật chất và tinh thần, có những người đã ngã xuống không trở về. Một hy sinh khác nữa, đó là những mất mát về tình cảm: Tuổi trẻ, tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi.
      Cuốn: “Tình yêu người lính”  là ghi chép tác giả nguyên là sĩ quan phiên dịch, phục vụ tại Trung đoàn tên lửa phòng không 278, một trong những trung đoàn tên lửa đầu tiên của Binh chủng tên lửa Việt Nam anh hùng.
      Những mất mát về tình cảm ấy được phản ánh một phần nào trong tác phẩm, đồng thời tác giả cũng ghi lại những chặng đường hành quân, những miền đất đã qua, các địa danh, trận địa đã chiến đấu, cùng những suy nghĩ, rung cảm của người lính trong tình yêu.
      Cuốn truyện kể lại hai mối tình: Mối tình thứ nhất là tình yêu giữa người lính – Chàng trai Hà Nội và cô gái Hà Nội – một nữ sinh cấp 3, sơ tán học tại Hồng Châu – Thường Tín – Hà Tây. Họ gặp nhau có hai lần, tình yêu đã đến rất tự nhiên và thơ mộng. Mối tình đã không có kết quả vì hoàn cảnh thời chiến, người lính phải bất ngờ chuyển quân đúng vào lần hẹn thứ ba, hậu quả dẫn đến là bị mất liên lạc hoàn toàn.
Mối tình thứ hai là mối tình giữa Chàng trai Hà Nội – Người lính với cô thôn nữ và sau này trở thành diễn viên đoàn văn công tỉnh Hà Nam. Chiến tranh đã không “ưu ái” ai. Trong một chuyến đi công tác phục vụ chiến đấu tại chiến trường phía Nam, người nữ diễn viên đã không trở về với người lính được. Lần thứ hai người lính bị mất người yêu vì bom đạn chiến trường. Chính tình yêu lứa đôi sâu sắc của người lính với người mình yêu đã là một động lực, nguồn cổ vũ lớn lao giúp cho người chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
      Tình yêu người lính ở đây cũng chính là tình yêu non sông đất nước: Những làng quê rợp mát bóng cây, những dòng sông uốn lượn, nước trong xanh, những miền đồi bạt ngàn, thẳng tắp hàng cây. Nẻo đường chiến  tranh đã đưa người chiến sĩ đi tới những địa danh là những danh lam thắng cảnh của đất nước. Chính nẻo đường chiến tranh đã tạo cho người chiến sĩ có cơ hội để chiêm ngưỡng.
      Trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm: “ TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH”.
Rất mong bạn đọc góp ý phê bình!
Xin trân trọng cảm ơn!

NGÀY ĐẦU BỠ NGỠ
      Những ngày đầu tiên trôi đi phẳng lặng và êm đềm. Bỗng dưng mặt biển gặp bão táp, những đợt sóng trào dâng lên cuồn cuộn, phá tan đi cái êm đềm tĩnh mịch của đại dương. Những ngày ấy đã đưa tôi về với hiện thực của cuộc đời người lính. Tôi tạm xa nơi trú quân, thực sự bắt đầu những ngày tháng chiến đấu và chiến trường là những cuộc giao chiến trên không.
      Đã qua rồi những kỷ niệm đẹp đẽ và một nỗi buồn da diết xâm chiếm lòng tôi. Cuộc gặp gỡ vô tình với cô gái Nga trên tàu liên vận quốc tế Matxcova – Bắc Kinh – Hà Nội trên đường về nước, giờ đây chỉ còn là những dư âm của một mối tình không có cái cầm tay, song lại đầy chất thơ và sâu sắc. Nêlia – Cô gái 20 tuổi, mẹ người Nga, bố người Anh với đôi mắt xanh biếc như biển Kaspieen thu nhỏ, dáng đi thon thả, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, thỏ thẻ như tiếng oanh Vàng đã cuốn hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên cho đến suốt cả chặng đường dài hơn sáu ngàn cây số. Chính vì thế mà những ngày đầu ở đơn vị đóng quân tại nhà dân, tôi chẳng thiết nghĩ gì đến đề tài sôi động của tuổi trẻ. Ngay cả các cô gái thủ đô trước kia tôi cho là đẹp cũng chẳng đủ sức hấp dẫn tôi.
      Gặp lại Nêlia giờ đây là mộng xảo, xa vời và không thực hiện được. Cùng với thời gian, dần dần những dấu ấn đẹp ấy  không tắt hẳn mà cứ bị phai nhạt đi. Thế rồi, bắt đầu những thử thách ghê ghớm của chiến trận. Đúng, những điều mà trước kia với tôi còn xa lạ thì nay đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ trước mắt. Đó là những cuộc hành quân đêm bằng cơ giới, những cuộc tiếp xúc với các cô thôn nữ, những mất mát, hi sinh của đồng đội và những thử thách ghê ghớm của bom đạn chiến trường.
(Nga My Thượng – Bình Minh – Thanh Oai – Hà Tây, tháng 8 – 1966)
Tiêu đoàn tên lửa phòng không 093 đóng quân tại xã Hồng Châu huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây.
      Trong khi chờ khí tài mới, đơn vị tranh thủ học chính trị, chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ chiến đấu sắp tới.Trong lúc giao thời đó, tôi cũng được rảnh rang đôi chút.Một ngày nắng đẹp, sau lúc cơm chiều, tôi lang thang cho bớt chống trải. Tôi thơ thẩn theo những con đường xóm quê nhẵn thín đất phù sa. Từ khi tới Hồng Châu quả thật hôm nay tôi mới thật sự được chiêm ngưỡng cái làng quê rợp mát, trải dài bên bờ sông Hồng này. Lững thững trên con đường làng, dẫn đến đường đá ra huyện lỵ, tôi dừng lại trước khu vườn với hàng rào phi lao cao vút, bên trong có những luống hoa muôn sắc. Thấp thoáng trong vườn là dáng dấp của một cô gái. Em đang tưới hoa. Tôi tiến về phía em, tìm cách làm quen:
-         Chào em! Anh có cảm giác là đã gặp được đồng hương rồi!
      Em bẽn lẽn, mỉm cười để lộ hàm răng đều, trắng muốt.
-         Vâng, chào Anh!
      Em người Thường Tín làm sao là đồng hương anh được!
-         Không! Anh không nhầm. Nhìn em cùng giọng nói em, anh biết em là người Hà Nội. Lúc nãy, thoáng nhìn xa, ạnh đã có một linh cảm như thế.
      Thế là em đã tiếp chuyện tôi. Những người cùng gốc Thủ đô, khi gặp nhau ở chốn xa lạ thường dễ gần gũi và thân mật. Tôi được biết em tên là Oanh, ở Hà Nội. Em về đây sơ tán tại nhà người bác ruột ở xóm 4 Hồng Châu. Em học lớp lớp 10 tại cấp 3 Thường Tín. Thỉnh thoảng, sau khi đi học về, em ra khu vườn này tưới hoa.
      Tôi lấy nước từ mương lên cho em tưới. Chúng tôi vừa làm việc vừa nói chuyện một cách thoải mái. Chẳng mấy chốc, khóm hoa cuối cùng đã được tưới xong. Cả vườn hoa đã được làm mát, lung linh trước gió, tỏa ngát mùi hương. Công việc đã hoàn thành, tôi cùng em trở về trên con đường đã đi lúc trước. Em đang đi bên tôi, cô gái Hà Nội với đôi mắt bồ câu dịu hiền, mái tóc mượt mà như dải mây, đang thật  sự cuốn hút tôi. Tôi hỏi em:
-           Trong các môn em học, em thích môn nào nhất?
-           Anh ạ! Em thiên về khoa học xã hội, văn là môn học sở trường của em. Em là học sinh giỏi văn của khối 10 nhà trường.
-           Anh cũng nghĩ như vậy,vì khi tiếp xúc với em, anh thấy em không những là nhà thơ mà là một ca sĩ nghiệp dư nữa. Ở em có giọng nói rất truyền cảm. Chắc là em hát hay lắm nhỉ?
-           Em hát không hay nhưng hay hát anh ạ!
-           Một hôm nào đó anh sẽ có vinh dự được nghe giọng ca của Quỳnh Oanh được không? Hôm nay, tình cờ gặp em và lại được trò chuyện với người giỏi văn thơ, anh tặng em mấy câu:
Trời thu gió mát, em tưới hoa,
Hoa đua sắc thắm, ngát lòng ta.
Tôi nhớ nơi đây, người con gái,
Có nụ cười đẹp như đóa hoa.
-           Đúng là xuất khẩu thành thơ! Hay anh là nhà thơ chuyên nghiệp?
-           Không, anh là người lính. Hôm nay gặp đồng hương và lại được tưới hoa cùng em nên anh đã có cảm xúc. Chính em và hoa hôm nay là nguồn cảm xúc, là nguồn thơ của anh đó.
      Em cười e lệ, đôi má lúm đồng tiền thật là duyên dáng. Tôi có cảm giác nụ cười ấy cũng chính là hoa vì em và hoa, hai khái niệm đó với tôi giờ đây là một.
Câu chuyện giữa chúng tôi đang sôi nổi thì phải chia tay vì đã đến ngõ rẽ vào nhà em. Tôi nấn ná chẳng muốn đi. Em hẹn tôi sẽ có lần gặp nhau tại Hà Nội để bàn luận thêm về chuyện văn thơ. Tôi tạm biệt trong lưu luyến. Trở về nhà, tôi vẫn còn bâng khuâng và muốn gặp lại em ngay. Thú thật là, từ khi về nước đến nay, tôi ít chú ý đến phái nữ vì những ánh mắt kiều diễm, dễ thương và dễ làm quen của các cô gái Nga vẫn còn hằn sâu trong tâm trí. Tôi đã thấy rõ và đánh giá cái đẹp theo cách riêng và cho rằng các cô gái Việt Nam cũng đẹp nhưng so với họ thì chẳng thấm vào đâu, đặc biệt là tôi rất ghét thói kiêu kỳ ở không ít các cô gái mình:  Hơi có vẻ sắc nước một chút là tỏ ra khinh đời, “Phớt ăng lê”. Họ chỉ nghĩ rằng vẻ đẹp bên ngoài là trên hết mà thường quên mất một điều là con người phải đẹp cả tâm hồn, phải giàu kiến thức và vốn sống nữa. Vì thế mà suốt cả tháng dòng, tôi chẳng để ý đến cô gái nào. Đừng cho rằng tôi kiêu ngạo, vì tôi thừa hiểu, mình chỉ là một người lính bình thường. Ấy thế mà Quỳnh Oanh lại chế ngự tâm hồn tôi. Phải chăng, tại đây tôi đã gặp người đẹp như ước muốn: Em không những có ngoại hình đẹp trời phú cho mà còn đẹp cả trong tính cách, trong cư xử. Em là cô gái đất Tràng An thanh lịch, đồng thời em cũng chính là một hồn thơ mênh mông. Em đúng là cô gái tôi tìm và đã tìm thấy.
(Hồng Châu – Thường Tín – Hà Tây, 10-10-1966)
      Một niềm vui đến với tôi. Hôm nay tôi được về Hà Nội thăm nhà và sẽ đến thăm Quỳnh Oanh, cô gái tôi mới quen hôm nào. Ngày thứ Bảy, lại về thủ đô, tâm trạng tôi thật thoải mái. Tôi lâng lâng như bay bổng. Tôi dậy sớm, thắng bộ mới nhất và ra bến xe Thường Tín. Từ khi về nước, hôm nay, tôi mới lại về thủ đô. Tranh thủ từ sáng đến chiều lại trở về đơn vị. Thú vị nhất là được gặp lại bạn bè, những người đã lâu không có dịp hội ngộ. Tôi định gặp Ngọc Lan, người trước kia tôi đã định theo đuổi trong tâm trí, song không được đáp lại một tình. Đắn đo mãi, không biết có nên đến hay không, cuối cùng tôi không gặp Ngọc Lan nữa. Theo địa chỉ trong lần gặp đầu tiên Quỳnh Oanh đã cho biết, tôi tới phố Đỗ Hạnh. Thật là rủi ro, khi tìm được số nhà 10 thì em không có ở đó. Thời chiến là thế đấy. Tìm theo địa chỉ và hỏi thăm để gặp nhau thật là khó khăn! Đó chỉ là nhà một người họ xa của em. Bà chủ nhà cho biết, hồi năm ngoái, thỉnh thoảng vào những ngày chủ nhật em có về thăm bà nhưng đã lâu không thấy đến.
      Quay về đơn vị khác lúc chiều tà, khi cuộc sống Hà Nội thời chiến đúng vào lúc nhộn nhịp nhất. Tôi cứ tiếc một ngày chủ nhật đã qua đi không mỹ mãn chút nào, bởi lẽ dự định lớn nhất trong ngày là gặp Quỳnh Oanh không thực hiện được. Tôi chậm rãi cất bước trên đường về trong tâm trạng buồn, khá hẳn với buổi sớm từ đơn vị ra đi.
      Thật không ngờ, từ xa tôi đã nhìn thấy bóng em. Đúng, thật là em rồi. Em đang đi cùng chiều. Tôi rảo bước cho kịp, em đã nhận ra tôi. Tôi mừng quá. Thế là sáng nay tôi tìm em mà không thấy, bây giờ tình cờ trên đường về lại gặp được em. Tôi cùng em đi trên một quãng đường dài: Em về nhà, còn tôi về đơn vị gần làng nơi em đang sơ tán. Phải chăng trong cái không may lại gặp may? Hôm ấy hoàng hôn buông xuống dần, chim chóc đưa nhau về tổ. Trong tâm trạng hưng phấn, tôi sánh đôi cùng em. Chúng tôi qua một khu chợ chiều vắng ngắt, tiếp đến là con đường nhỏ dẫn về chân đê. Đi được chừng 20 phút, chúng tôi dừng lại bên gốc cây sồi già xum xuê cành lá. Mặt đường đã gác non tây, con đường mòn trên đề mờ dần đi. Gió thổi từ phía sông Hồng lại, đem theo hơi mát của lòng sông. Em bên tôi, mái tóc dài mượt, óng ả tỏa ngát hương thơm bồ kết, phả vào lòng rôi êm dịu là thường. Tôi mạnh dạn hơn nhiều so với lần gặp ban đầu. Tôi hỏi em:
-           Ở trường em học ngoại ngữ gì?
-           Em học tiếng Nga. Tiếng Nga quả là khó, em không có năng khiếu ngoại ngữ.
      Cố gắng lắm và mất rất nhiều thời gian, em cũng chỉ đạt trung bình khá.
-           Phải chăng là Quỳnh Oanh chưa nắm chắc được phương pháp học đó thôi. Em giỏi các môn khoa học xã hội thì ngoại ngữ cũng phải đạt loại khá trở lên. Anh tình nguyện sẽ là thầy giáo của em về tiếng Nga. Anh sẽ bồi dưỡng cho em trở thành học sinh giỏi môn này. Anh có cách dạy riêng. Tin rằng Quỳnh Oanh sẽ đạt được điều đó.
-           Em rất mong muốn thế. Nhưng anh làm gì có nhiều thời gian đề dạy em học. Hơn nữa, anh có đóng quân ở đây mãi đâu? Bộ đội thời chiến nay đây mai đó là chuyện thường.
      Em nói đúng! Tôi có dự định như vậy, nhưng đối với người lính trong thời chiến thì không phải những gì mong muốn đều có thể thực hiện được, mặc dù điều đó là giản đơn đối với những người ngoài quân ngũ. Tôi xác thực như thế và không bàn cụ thể thêm về điều đó nữa. Chúng tôi lại đi tiếp, tới gẩn trạm bơm, tôi bảo em ngồi nghỉ một lát cho dỡ mỏi. Áng chiều đã tắt hẳn, màn đêm trải dài, dài mãi xa tắp với giọng nói trầm nhỏ nhẹ vừa đủ nghe, tôi chuyển dòng tâm sự sang hướng khác:
-           Hôm nay em đượm buồn, khác hẳn với lần gặp trước tại vườn hoa. Phải chăng là em nhớ nhà?
-           Sao anh biết?
-           Anh mắt em đã nói lên tất cả. Đó là gương phản chiếu tâm hồn.
-           Anh đoán đúng. Em buồn vì sáng nay chia tay với người bạn đi học nước ngoài ở ga Hàng Cỏ.
      Tôi muốn biết rõ người đó là trai hay gái? Nhưng rồi tôi lại dẹp câu hỏi đó sang một bên. Tôi động viên em:
-           Buồn thì hát lên cho quên sầu đau em ạ! Cuộc đời em đầy thơ mộng và tương lai. Hãy sống vô tư hơn! Tiếng hát sẽ làm em vui lên đấy. Anh hát cho em nghe nhé! Không hay thì em đừng cười anh đấy!
      Nói rồi, tôi lấy giọng và rất tự nhiên hát lên bài ca: “Cây thùy dương” bằng lời Nga và Việt:
Trời dần buông  màu tím,
……
…….
Cất tiếng hát bước chân đi,
Lòng ngập ngừng nhìn ai mà không nói,
Nhìn bầu trời sao lấp lánh,
Biết chăng ta vì cớ sao buồn,
….
….
      Tiếng hát du dương, khi trầm, khi bổng trong đêm thanh vắng. Tôi vừa hát với cả tâm hồn cho nỗi buồn trong em dịu bớt. Lời ca phản ánh đúng tâm trạng và chính bài ca đã làm em quên đi nỗi vấn vương, đưa em trở về với thuộc tính hồn nhiên của cô gái học trò 17 tuổi.
-           Hay tuyệt! Chưa bao giờ em được nghe bài “Cây thùy dương” bằng tiếng Nga. Anh chép và dạy em bài này nhé. Được anh luyện, dạy phát âm tiếng Nga thì em hát sẽ hay.  Khi anh đi rồi, những lúc buồn em hát “Cây thùy dương” bằng cả hai thứ tiếng Nga và Việt để nhớ anh, người đã hát cho em nghe hôm nay.
      Em đã quá khen. Tôi thấy hơi ngượng. Thực ra, tôi hát hay là do hưng phấn và ngẫu hứng chứ mình có phải là nghệ sĩ gì cho cam! Hôm nay tôi hát có hay (tự đánh giá) chính là vì có em. Em không những là nguồn cảm hứng để tôi làm thơ, mà còn là dàn nhạc vô hình cho tôi trình diễn thành công.
Tôi tiếp tục:
-           Anh không những sẽ dạy em hát bằng tiếng Nga “Cây thùy dương” mà còn dạy thêm cho em biết hát bằng cả lời Nga và Việt những bài ca tiêu biểu, trữ tình khác nữa như: “Chiều ngoại ô Mátxcơva”, “Đỉnh núi Lênin”, “Cây Liễu”. “Cachiusa”.
      Đó là những bài hát Nga sở trường của tôi. Tôi lần lượt hát cho em nghe những bài ca trữ tình ấy. Em say đắm, chăm chú thưởng thức từng giai điệu, từng lời một. Tôi hát thật sôi nổi và xúc động, tưởng nhớ lại những kỷ niệm ấm êm của đời sinh viên. Đã lâu lắm tôi mới lại có dịp hát cho người khác nghe. Thật là sung sướng, người thưởng thức giọng hát tôi lại chính là em – cô gái Hà Nội hôn nhiên mà tôi đã quen, đã hiểu, đã và đang đắm say ngay từ phút đầu gặp gỡ. Tôi có lời khuyên với em:
-           Quỳnh Oanh này! Bí quyết để hát được thành công là ở chỗ khi hát, hãy hát với cả tâm hồn và nhập tâm vào bài hát. Thơ văn, hội họa, âm nhạc đều phải có hồn thì mới hay được. Người trình diễn tác phẩm cũng vậy em ạ! Hát nhiều, hát với nhiệt tình cháy bỏng ắt là hay, đúng không em? Bây giờ đến lượt Quỳnh Oanh nhé. Em hãy hát bài nào đó mà em yêu thích.
      Thế rồi, với giọng nữ trầm trời phú cho,, em khẽ cất tiếng hát bài “Đêm chia tay”:
Chỉ còn đêm nay đôi ta sẽ chia tay.
Đường ven lối vắng, sánh bước tay cầm tay,
Chỉ còn đêm nay cất cánh xa nơi này,
Dù có chia tay đừng lãng quên nơi này.
      Đúng như nhận xét của tôi trong lần gặp trước, em quả là một nghệ sĩ nghiệp dư thực thụ. Bài ca được em hát lên đã có sức truyền cảm mạnh mẽ làm xúc động lòng tôi.
      Nội dung bài hát trên tự nhiên làm tôi có một linh cảm là, tôi và em không có nhiều dịp để gặp nhau. Hôm qua, tôi được biết bộ phận tiền trạm của đơn vị đã rời khỏi Hồng Châu tìm trận địa và nơi trú quân mới cho tiểu đoàn. Như vậy, những ngày còn lại tôi ở Hồng Châu không còn mấy. Trong yên lặng miên man, tôi suy cảm, chẳng để ý gì đến thời gian đã trôi qua. Đến giờ này, tôi sắp phải tạm biệt em. Chúng tôi lại đi tiếp đến ngã ba đường. Em rẽ phải về xóm, còn tôi đi thẳng. Phút chia tay sắp đến, tôi tiễn em thêm một đoạn đường, bâng khuâng và luyến tiếc, vì đây là lần thứ hai tâm sự cùng em. Em như như cũng cảm nhận được điều đó, ngập ngừng, bịn rịn, bối rối như đã mất một cái gì đó thiêng lieneg mà không tìm lại được. Chúng tôi đi chầm chậm, mong cho con đường dài mãi, vô biên. Rồi đã đến lúc phải dừng chân, không đi hơn được nữa. Tôi nghẹn ngào nói lên lời tạm biệt:
Quỳnh Oanh em! Chúng ta sẽ chia tay tại đây! Chúc em đêm nay ngủ ngon và mơ thấy những điều đẹp đẽ, kỳ diệu nhất. Mới có hai lần tâm sự cùng em. Biết nhau mới được hai tuần lễ, thế mà anh cảm thấy như chúng mình hiểu nhau đã hai năm. Lần trước quen em, anh đã hiểu em rất nhanh. Chuyện trò cùng em, anh như sống lại tất cả những tháng năm đẹp đẽ ở trường đại học. Những năm tháng đậy mộng mơ, hoài bão của chàng trai sinh viên ngoại ngữ. Thế rồi, chiến tranh đã lan ra cả phía Bắc của Tổ quốc. Tuổi trẻ cả nước theo tiếng gọi của Đảng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Anh cùng các bạn sinh viên cùng khóa tốt nghiệp tình nguyện vào quân ngũ, đem kiến thức được trang bị sau bốn năm học, góp công sức mình để công tác và chiến đấu trọng một binh chủng hiện đại – Tên lửa Phòng không cùng toàn quân và dân quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân cực kỳ nguy hiểm của đế quốc Mỹ tiến hành trên miền Bắc nước ta.
Em ơi! Nếu không có chiến tranh thì làm gì anh biết Hồng Châu – Thường Tín và làm sao anh có được cuộc gặp gỡ, vô tình đầy thơ mộng với Quỳnh Oanh được. Hôm ấy, từ lúc tạm biệt em, ra về rồi anh thấy cứ xốn xang, một niềm vui khó tả dâng lên trong anh làm anh trằn trọc, thao thức năm canh, không sao chợp mắt được. Anh nghĩ về em. Thật là số trời run rủi thương người lính đã cho anh gặp được người đẹp. Người đẹp đã thông cảm, đã hiểu người lính rất nhanh. Anh hy vọng người đẹp ở hậu phương sẽ  giành cho người lính ngoài chiến trường những gì ưu ái nhất của tuổi trẻ. Anh sẽ duy trì và nhân lên mãi tình cảm chân thành đẹp đẽ ấy, mang theo mình trên những chặng đường hành quân, trong cuộc chiến đấu đầy gian lao, ác liệt và có thể gã xuống vì bom đạn.
Anh muốn có Quỳnh Oanh bên cạnh để động viên mình, cùng đồng đội hoàn thành sứ mạng cao cả của tuối trẻ mà cả nước đã vững tin.
Em ơi! Anh muốn tâm sự cùng em nữa. Nhưng thôi, để đến lần gặp ngày mai. Hẹn em vào ngã ba vào lúc 19 giờ em nhé. Nhớ đừng để anh đợi đấy. Em biết không? Một phút đợi chờ bằng hàng giờ trôi qua.
Em xúc động đến trào nước mắt. Trong đêm tối tôi cảm nhận chiếc khăn tay trong tay em đã ướt.
-         Anh ơi! Em sẽ đến trước giờ hẹn! Anh Hồng Quang, em không bao giờ quên đêm nay, một đêm giữa chốn xa lạ, vắng lặng, em đã tâm sự cùng một người lính mà em không thấy e ngại chút nào. Gặp anh mới có hai lần, được hai lần tâm sự cùng anh, em đã học được nhiều điều bổ ích, em đã hiểu được tâm hồn người lính. Người lính như anh đầy lạ quan và nghị lực. Anh đi nay đây mai đó nhưng tâm hồn không phải không có địa chỉ. Người lính chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, phải chịu đựng hy sinh về mặt tinh thần. Vì vậy, tình yêu người lính là bất diệt, là trong sáng, thủy chung và đầy hy vọng:
Người lính ơi! Từ nay em đã hiểu,
Rất lạc quan và sâu sắc, vô tư.
Đi muôn phương, song tình cảm vô bờ,
Tình yêu ấy là mênh mông, bất diệt.
Em thật không ngờ và tự hào là quen, đã hiểu được người lính như chính người lính đã hiểu em. Em không những có tình cảm với người lính mà còn rung động bởi tình cảm chân thành, đầy mến thương của người lính đã giành cho em.
Tôi như được chắp cánh, em đã động viên tôi, tôi thấy mình cứng rắn hơn. Tôi cầm hai bàn tay em. Hơi ấm đôi bàn tay em truyền cảm sang tôi. Tôi đã đắm say em từ phút đầu gặp gỡ và tôi đã yêu em với cả trái tim mình. Tôi cứ để yên như thế và không muốn kết thúc giây phút chia tay ngắn ngủi này. Đêm về khuya, sương thấm ướt áo, song chúng tôi chẳng cảm nhận được gì. Tất cả không gian trầm tịch như cảm thông với hai chúng tôi. Tôi muốn nhích lại gần em, nhưng lại sợ em hiểu sai ý tôi. Tôi muốn nâng niu giây phút đó và để cho tình cảm đẹp mãi. Tôi ngây ngất trong suy tưởng và coi đó là những giây phút hạnh phúc, mà không một đòi hỏi gì hơn nữa. Có phải là tôi đã yêu em đấy không? Trái tim tôi đã đóng băng sau cuộc gặp gỡ với cô gái Nga mấy tháng trước đó, nhưng hy vọng cứ nguội đi, dần dần tắt như dao động của con lắc, thì bây giờ đang ấm dần lên. Tôi thấy yêu đời quá! Tình yêu trong yên lặng, cái yên lặng bề ngoài nhưng ngõ ngách tâm hồn thì dâng dâng lên cao mãi và hy vọng ở một mối tình muôn thuở.
Một mối tình giữa người lính mới rời ghế trường Đại học và một có gái sắp rời mái trường phổ thông, chuẩn bị bước vào đời. Tình yêu ấy thơ mộng quá. Vẫn em đây, cô gái hai tuần trước tôi mới làm quen, nay đã hiểu và đã yêu tôi. Tại sao lại nhanh thế nhỉ? Chính vì tôi là một người lính! Em đã giành cho tôi một tình yêu không phải là thoảng qua, mà là một tình yêu đậm đã bởi chúng tôi là những người đồng hương và là những người đã và đang cắp sách tới trường. Tình yêu tuổi học trò thơ mộng của em được chắp cánh và nâng lên bởi tình yêu người lính bao la và sâu sắc thì còn thứ tình yêu nào đẹp hơn thế nữa. Em ngước nhìn tôi. Tôi đắm mình trong làn mắt em! Ôi! Đôi mắt đen sâu thẳm dưới hàng mi, chứa chan tình cảm. Tôi đã thấy mình trong mắt em với bộ quân phục chỉnh tề, chiếc mũ sĩ quan mềm, giữa có quân hiệu sao vàng năm cánh, tôi nghe và thấy cả nhịp đập trái tim mình đang rộn rã với tình em. Em đang bên tôi, em đang lớn lên và tự hào với tình yêu người lính – Chàng trai Hà Nội, đang đưa em đến chỗ cao ngất của vũ trụ bao la. Tôi áp em về phái mình, em cầm tay tôi âu yếm:
-         Anh ơi, em không quên một đêm trong đời em 17 tuổi. Một đêm em đã được tâm sự với một người lính trong thời chiến. Em sẽ giành cho anh những trang nhật ký sôi nổi nhất viết về cuộc gặp không hẹn mà nên giữa chúng ta.
Tôi đã yêu em rồi! Tôi sợ tình yêu người lính sẽ làm em đau khổ vì yêu người lính là phải đợi chờ mỏi mắt, là ít được gặp mặt, là mối tình qua những bức thư và có thể là rủi ro, khi gặp lại lần cuối cũng lại là vành khăn tang với tấm hình.
Ôi! Thật là khủng khiếp. Tôi không dám suy nghĩ hơn nữa và chẳng dám nói ra. Điều ấy tôi chỉ chôn chặt trong lòng. Tôi không muốn cho em biết, sợ em không chịu nổi mà lại òa lên khóc. Tôi ngắt dòng suy nghĩ. Hai bàn tay tôi đặt lên đôi vai nhỏ bé của em. Em nhỏ bé dịu dàng nhưng đầy dũng cảm vì đã dám yêu một người lính như tôi. Tôi thương em. Thương vì từ nay em phải khổ vì tôi. Tôi chẳng có gì ngoài chiếc ba lô cùng với chiếc bát sắt theo mình khắp đó đây. Tôi chỉ có một trái tim nồng hậu, một tình thương mênh mông cho chính em và lòng nhân ái cho những nỗi khổ đau trên cõi đời này. Người lính ư? Họ cần gì? Ta chỉ ước nguyện cho tất cả mọi người trên trái đất này được hưởng hạnh phúc, bình yên. Ta quên đi và hi sinh để cho thiên hạ được thái bình và ta sẽ trở về trong tiếng kèn chiến thắng. Giây phút hòa bình đầu tiên, ta sẽ tìm gặp lại người ta hằng yêu dấu. Lúc đó, người còn là của ta nữa không? Ta chẳng có gì, ta nghèo và khi trở về, điều quý giá nhất là ta còn sức khỏe và sẽ làm lại từ đầu.  Chắc là em tôi không sao hiểu được điều đó vì tôi chẳng dám nói ra. Tình yêu là những thử thách gay cấn nhất, thử thách trong máu lửa, trong bom đạn có thể vượt qua được, nhưng nếu không tỉnh táo ta sẽ có thể bị ngã quỵ với những viên đạn bọc đường, ngã bởi vật chất giàu sang mà chỉ trong chốc lát, ta bị chóng mặt, không đấu tranh được.
Em khóc, em khóc vì hạnh phúc và bởi chia ly. Ngày mai, hẹn gặp lại em, nhưng không biết tôi có đến được không? Những dự định của người lính không phải lúc nào cũng thực hiện được!
Bịn rịn chia tay, tôi và em cứ đứng nhìn nhau thế trong yên lặng. Đã mấy lần định mỗi người một ngả, song cứ lấn cấn mãi, chẳng rời xa. Em đi tiếp, tôi quay lại nhìn theo bóng dáng nhỏ bé của em khuất dần trên con đường rủ bóng tre, ướt trong sương đêm.
Tôi nặng nề nhích bước trong suy nghĩ miên man. Những bước đi chầm chậm trên con đường cũ, song trong tâm trí vẫn còn đậm nét hình bóng em với đôi mắt nhòa lệ.
Em là người yêu của tôi! Em sẽ động viên ôi trong những nẻo đường gian khó của chiến trường mai sau.
(Hồng Châu – Thường Tín – Hà Tây, 25 – 10 – 1966)
Thế là hết, hết tất cả. Hy vọng đã tiêu tan trong mây khói. Không còn được gặp em nữa rồi! Thật là không may và quá bất ngờ với tôi: Ngay từ khi vừa đặt chân đến nhà đêm hôm ấy, tôi được lệnh sáng hôm sau phải rời Hồng Châu. Thế là phải xa em và không được gặp em lần thứ ba. Buổi sáng ra đi mà lòng nặng trĩu.  Ra đi mà chẳng kịp nói lời tiễn biệt và đau khổ hơn là cho đến bây giờ, tôi vẫn không có địa chỉ em. Trong lần gặp gỡ vừa qua, tôi đã định xin em địa chỉ, song lại nghĩ: Chẳng nên vội vã làm gì. Việc đó, tôi sẽ thực hiện trong đêm chia tay với em, trước khi rời Hồng Châu là hay hơn cả. Thật là tuyệt vọng: Cho đến bây giờ tôi cũng chưa có địa chỉ hòm thư chính thức vì đơn vị tôi mới từ Liên Xô huấn luyện trở về nước, biên chế chưa hoàn chỉnh, công tác tổ chức còn đang củng cố, chưa ổn định. Như vậy, tôi và em không liên lạc được với nhau (không có địa chỉ của nhau để viết thư) là điều không tránh khỏi. Thật là éo le và đau khổ. Số phận người lính như tôi đây lại rủi ro đến thế hay sao? Chiến tranh đã đưa tôi đến Hồng Châu để gặp em, hiểu em, mến em và ngây ngất trong mối tình đẹp đẽ. Hy vọng vừa mới lóe sáng bổng dưng lại vụt tắt ngay trở thành vô vọng. Tôi phải xa em trong thầm lặng, không bao giờ gặp lại nhau được nữa.
T       ối nay em sẽ đến chỗ hẹn còn tôi thì không sao tới được. Giá như lúc này tôi còn là sinh viên thì hay biết mấy!!! Tôi sẽ chủ động gặp em để chia tay. Không thể làm khác được vì tôi là người lính. Đã là người lính thì phải chấp hành mệnh lệnh!
Tất cả trôi đi, vô tư lự, như các nẻo đường chiến tranh muôn phương và xa tắp.
Đã 20 giờ! Quá giờ hẹn được một giờ em đã tới từ lâu và đang nóng lòng đợi tôi. Chính tôi đã nói với em hôm trước: “ Một phút đợi chờ là bằng hàng giờ trôi qua”. Thế mà đây, tôi đang ở nột nơi hoang vắng, chẳng có ai hàn huyên, chẳng có công việc gì để làm. Thế mới dở chứ! Tôi đã đến địa điểm trước sáng và đang chờ đơn vị cùng khí tài mới để lên đường. Tôi muốn có đôi cánh diệu kỳ để bay đến nơi hẹn em. Giữa tôi và em chỉ là một khoảng trời không xa mà không sao đến được.
Thế là chấm dứt một mối tình dở dang.
 (Viện thí nghiệp Nông nghiệp – Văn Điển – Thanh Trì – Hà Nội)
Từ buổi ra đi đột ngột ngày ấy đến nay, thấm thoát đã gần 30 năm. Hồi ấy tôi mới ở tuổi 22 thế mà nay tôi đang bước vào tuổi 52 rồi!
Ba mươi năm trôi qua, đời tư có nhiều sự kiện và  đất nước có biết bao đổi thay, thế mà tôi vẫn còn vấn vương mãi với mối tình dang dở ấy.
Mỗi lần nghĩ đến kỷ niệm ở Hồng Châu, tôi như sống lại một thời trai trẻ. Ngày ấy từ Hồng Châu, tôi ra đi để rồi nỡ hẹn với em là như thế đấy! Cũng chính từ Hồng Châu ra đi, tôi thực sự bắt đầu những năm tháng sống và chiến đấu đầy ý nghĩa trong quân ngũ.
Năm 1980, tôi đã có dịp tới Hồng Châu. Tôi cố tìm tin tức Quỳnh Oanh nhưng không có kết quả. Ông bác không còn ở đó nữa từ 1978, cả gia đình đi xây dựng kinh tế mới tại tỉnh Sông Bé. Cũng lần ấy, tôi thăm lại mảnh đất trước kia là vườn hoa, nơi tôi và em đã quen nhau trong lần đầu. Tôi thăm lại ngã ba đường, điểm hẹn lần gặp thứ ba mà tôi đã không tới được.
Có những sáng chủ nhật rảnh rỗi, tôi thơ thẩn trên đường Đỗ Hạnh, quẩn quanh bên số nhà 10, mong timg kiếm tin tức về em, mặc dù: “tìm em như thể tìm chim”. Hy vọng thật là mỏng manh!
Tôi tự nhủ: “Không tìm được em, tôi gặp lại em trông ký ức vậy!”
Tại đây, tôi kết thúc câu chuyện mối tình dang dở này và mong muốn nhắn gửi các bạn đọc, trong đó có cả Quỳnh Oanh rằng: “ Tôi vẫn đi tìm em”.
Hà Nội, 10 – 02 – 1995.
II. NHẬT KÝ HÀNH QUÂN
Hành quân xa mưa như trút nước. Đoàn quân kéo dài, tiến dần trong đêm mưa. Mãi đến quá nửa đêm, xe mới đến được chỗ nghỉ. Sau khi cùng tiểu đội ngụy trang khí tài, mình lăn ra ngủ ngay bên thềm hội trường cho đến tận sáng bạch. Đây trước là doanh trại của một đơn vị nào đó. Dòng suối trong xanh, uốn lượn quanh một khu đồi bao la. Thật là tĩnh mịch. Tất cả đã đi hết, chỉ còn lại những dãy nhà lợp ngói bỏ không. Đây là trạm dừng chân cách thị trấn Xuân Mai chừng hai cây số.
Đến chiều, đoàn xe lại tiếp tục hành quân. Mình đã quen với những cuộc hành quân bằng cơ giới như thế này rồi!
Đêm nay, trăng sáng tỏ, gió thổi hây hây. Ngồi trong ca bin, mình cất tiếng hát những bài ca quen thuộc. Hát và hát nữa đi cho đời thêm đẹp, hát cho đỡ buồn ngủ.
Xe chạy với tốc độ hành quân, chiếc nọ bám chiếc kia, giữ đều khoảng cách quy định. Ánh trăng vời vợi, dòng sông Đà đang cuồn cuộn chảy, lấp lánh ánh bạc. Vừng trăng và dòng sông hòa với nhau tạo nên một bức tranh thủy mạc tuyệt trần! Bên bờ sông có ai ngồi chơi không đó? Chắc hẳn là có vì bây giờ cũng chưa muộn, mới có 10 giờ tối. Đoàn xe qua thị trấn, những phố nhỏ hiện ra dọc theo hai bên đường quốc lộ. Không khí nhộn nhịp hẳn lên bởi những tiếng ồn ào của các em nhỏ, của các bà, các chị trong buổi chợ sơ tán họp về đêm.
Thị xã Hòa Bình kia rồi! Vắng lặng và buồn hơn thị trấn lẻ. Ngoài ngoại vi có vui hơn chút ít. Dưới ánh đèn ô tô, thấp thoáng những mái đầu phi lê, những bím tóc dài và hình dáng ăn vận quen thuộc của các cô gái Hà Nội. Trong số đó chắc hẳn có những người vừa mới đi dạo với người yêu về? Kìa! Một cô gái đứng vẫy tạm biệt người bạn trai ở đằng xa. Thế là hết cảnh đô hộ và bắt đầu tiến vào dốc. Cái dốc này đã nổi tiếng khắp đó đây: Dốc Cun – Hòa Bình. Tới tận hôm nay, tôi mới thực sự được biết đến. Nó đã được cải tạo đi nhiều. Dốc khá dài, leo chừng 30 phút mới hết được. Tiếng động cơ nổ đều đều.
Tới 6 giờ sáng mới đến được chỗ đậu xe. Tất cả tạm nghỉ. Cả đơn vị lọt vào giữa một khu rừng đầy cỏ lau và bụi rậm, cách biệt hoàn toàn với dân chúng. Mới có 5 giờ chiều mà trời đã ập tối ngay được, giá lạnh ghê người bên xung quanh toàn là những dãy núi đá cao ngất. Gần nửa đêm, đoàn xe  của tiểu đoàn mới tới được trận địa dã chiến và bắt đầu triển khai khí tài. Miền rừng núi Hòa Bình thật là hoang vu, hỏi ra mới biết đây là địa phận thuộc huyện Tân Lạc. Đối diện với trận địa là công trường khai thác đá chỉ hoạt động vào ban ngày. Mưa xuống, ướt át và nhớp nháp vì đất rừng cứ bám chặt lấy gót giầy chẳng chịu buông tha, mấy ngày ở đây phải sống liều tại trận địa, trong các nhà lêu bạt dã chiến.
Chính tại nơi đây, ngày 30 - 11- 1966, tiểu đoàn tên lửa 093 ra quân  trận đầu. Đơn vị mở máy, vào cấp 1, báo động chiến đấu suốt gần 5 tiếng đồng hồ. nhưng trận đánh chỉ thực sự diễn ra trong vòng 5 phút. Hai quả tên lửa đã được phóng lên trời. Một chiếc máy bay F4H đã bị bắn rơi. Từ trên không, những chiếc máy bay còn lại của địch đã bắn 2 quả tên lửa không đối đất xuống trận địa tiểu đoàn 093.
Sĩ quan điều khiển nhanh mắt, đã phát hiện tín hiệu trên màn hiện sóng và kịp thời dùng kỹ thuật điều khiển xe Anten thu phát hất ra xa. Hai quả tên lửa của địch đã nổ cách xe thu phát khoảng chừng 20 mét. Thật là hú vía.
Buổi chiều, hồi 18 giờ Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đã đưa tin chiến thắng: Chiếc máy bay thứ 1300 của không quân Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Đó chính là chiến công của tiểu đoàn 093 lập được tại địa phận tỉnh Hòa Bình.
Đêm trăng, trận địa hoàn toàn yên lặng. Ngoài tiếng máy nổ chạy đều đều, không có một âm thanh nào khác. Ngắm trăng rằm, nhớ Thủ đô. Không biết Hà Nội nằm ở hướng nào nhỉ? Xa xôi quá rồi!
(Tân Lạc – Hòa Bình, 30 – 11 – 1966)
Rời đất Hòa Bình vào một ngày mưa tầm tã. Hơn một tuần trú chân ở Bảng Bưng là những ngày chứng kiến khí hậu khắc nghiệt ở vùng này: Thật dễ nắng và cũng thật dễ mưa. Một buổi chiều trời quang mây tạnh, tôi có dịp dạo ngắm cảnh phố phường miền núi. Phố dọc theo hai bên đường quốc lộ lèo tèo  vài chiếc lá đơn sơ. Ở đây cuộc sống thật buồn tẻ. Chiều tối xuống rất nhanh và từ đó hoạt động bên ngòai hầu như nhường cho thể giới côn trùng. Kéo quân về xuôi, chỉ biết được  như vậy, không biết sẽ đến đâu, nhưng cũng đã thấy vui rồi. Đoàn xe lại vượt đêm mưa, suối ngàn, dốc cao, hành quân với một khí thế hừng hực. Mãi tận sáng xe tới được thị xã Hà Đông. Cảnh phố phường đông đúc lại hiện ra và thế là lại được gần nhà. Sau khi đã sơ tán khí tài, ngụy trang xe cộ, tôi ngủ một giấc dài, chẳng buồn ăn cơm sáng và cơm trưa nữa vì ăn phải đi bộ ba cây số từ Ba La Bông Đỏ tới Bưu điện Hà Đông.
(Ba La Bông Đỏ - Hà Đông, 7 – 12 – 1966)
Hôm nay tôi tranh thủ về thăm nhà. Đã lâu lắm mới lại nhảy tàu điện về nhà và vào trường. Tàu điện và xe “Căng Hải” là duy nhất. Xe đạp thì chỉ có trong mơ đối với một sinh viên. Về nhà chẳng gặp ai, vắng ngắt, bạn bè cũng đã đi hết. Thủ đô hình như không được vui lắm và nếu có vui chăng nữa thì đó cũng chỉ là niềm vui vội vã vì là đang lúc cả nước có chiến tranh. Tuy vậy     Hà Nội vẫn đầy sức trẻ. Đó là cái bản lĩnh xưa và nay của con người Hà Nội.
Thủ đô mấy tháng rồi vắng bóng ta, song không phải vì thế mà đượm buồn. Nỗi buồn chỉ có ở trong người lính mà thôi. Họ vẫn an diện, dạo chơi từng đôi một. Điều đó thật khó khăn với người lính, mặc dầu cuộc sống vật chất chẳng  thiếu thốn lắm nhưng về mặt tinh thần thì thật hạn chế.
Buổi chiều trở về đơn vị, chỉ chậm một chút nữa là đoàn xe đã chuyển bánh. Máy đã phát động, song lại có lệnh hoãn hành quân. Chiều hôm sau lại ra đi theo  đường số một. Thị xã về chiều trở lên lạnh.  Hành quân trong đêm trăng, trăng vời vợi sáng.  Tôi ngôi trên xe xích mui trần. Tiếng máy nổ đều đều trong đêm trăng. Đoàn xe đi qua trận địa cũ, không dừng lại. Đi được chừng 10 cây số, đoàn xe bắt buộc phải đi đèn gầm vì sợ phát sáng làm máy bay  địch dễ phát hiện. Từ đây bắt đầu tiến về phương Nam, trên con đường số một đầy máu lửa. Tiếng xe xích êm êm, rung rung, mặc cho tiếng nổ đều đều, mình ngủ khèo một giấc dài, khi tỉnh dậy thì đã thấy xe vào trận địa và đang chờ bố trí triển khai đội hình. Lúc này là 2 giờ sáng. Thật là ngạc nhiên vì có cả một đội quân các bà mẹ, các chị, các cô dân quân, gánh đá, mang cành lá nguỵ trang cho trận địa. Hôm trước đó, trời còn mưa và đất đường chưa khô kịp, xe máy cồng kềnh và quá khổ cày tung cả đất lên. Nhân dân vùng này nhiệt tình quá, cùng với cả đơn vị thức tới tận sáng để sửa đường cho bộ đội triển khai đội hình. Ở đây là đất mía, bên dòng sông, những khóm mía mọc xanh um. Xe xích quần nát cả ruộng mía, nhưng tất cả đều giành cho trận địa, cho chiến thắng.
Đến gần trưa, mình mới tìm được nhà ở. Ở đây thật là bận, chưa có dịp nào phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng cái làng ven sông này, mới chỉ thấy có dặng nhãn xanh rờn im lìm tỏa bóng bên bờ sông trong xanh. Các cô gái ở đây cũng có khác. Miền này là vùng đất bãi, nương dâu lại thêm nghề dệt thảm bẹ ngô nên Vĩnh Trụ là địa danh nổi tiếng trong huyện. Mỗi lần đi ăn cơm, tôi thường đi qua khu vực đình. Đình cũng là trụ sở hợp tác xã dệt thảm. Các cô gái vừa đan, vừa dệt lại cười nói luôn luôn. Tôi chưa có dịp nào thảnh thơi để làm quen với họ được. Nơi đây có dòng sông Châu lượn uốn quanh làng, có bến thuyền và có cả một nhà máy đường Vĩnh Trụ đông vui, tấp nập.
(Vĩnh Trụ - Đồng Lý – Lý Nhân – Hà Nam, 12 – 12 – 1966)
Bốn tốp máy bay gồm tám chiếc từ hướng biển ngược sông Hồng bay vào ở độ cao chừng 400m. Chúng bay rất thấp để tránh hỏa lực tầm cao của ta.
Tại tiểu đoàn tên lửa phòng không 093 trung đoàn 278, rộn lên một khí thế chiến đấu hết sức sôi nổi.
Các sĩ quan, trắc thủ thuộc các đại đội kỹ thuật, đại đội hỏa lực, đại đội Rađa, thông tin được quán triệt nhiệm vụ trong đợt chỉnh huấn vừa qua; Toàn tiểu đoàn quyết tâm tiêu diệt máy bay Mỹ từ tốp đầu, bằng những quả đạn đầu.
Cả đêm hôm trước, đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã cùng các kỹ thuật viên, các sĩ quan và trắc thủ Việt Nam trên các xe chỉ huy, xe tính toán, xe thu phát tiến hành bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra và hiệu chỉnh toàn bộ khí tài máy móc, bảo đảm luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Đại đội hỏa lực đã bố trí đội hình theo phương thức ác tác chiến trận địa dã chiến: Hỏa lực được triển khai bằng 4 bệ phóng trên 2 rãnh. Bốn quả tên lửa lừng lững, uy nghiêm sẵn sàng rời khỏi vị trí xuất phát lao vào máy bay địch.
Trên đại đội ra đa thông tin, khí thế chiến đấu cũng không kém phần sôi động. Đã mấy ngày nay, ba kíp chiến đấu của đội ra đa nhìn vòng trực chiến 24h/24h để thông báo, phát hiện kịp thời máy bay địch và cung cấp các thông tin số bay cho xe chỉ huy thuộc đại đội kỹ thuật.
Trung đội thông tin bảo đảm liên lạc thông suốt (hữu tuyến và vô tuyến) giữa các bộ phận trong tiểu đoàn, giữ vững liên lạc trong mọi tình huống giữa tiểu đoàn với trung đoàn bộ và với các đơn vị pháo cao xạ bảo vệ tiểu đoàn
Một trận chiến đấu tốt đã được chuẩn bị. Tất cả đã sẵn sàng. Từ những giờ phút này trở đi, sức chiến đấu, hiệu quả trận đánh hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan đầu não, đồng thời là Bộ tham mưu của tiểu đoàn. Đó là kíp chiến đấu trên xe chỉ huy gồm có: Tiểu đoàn trưởng, sỹ quan điều khiển, ba trắc thủ: góc tà, góc phương vị và trắc thủ cư ly. Kết quả cuối cùng của trận đánh trên không còn phụ thuộc vào tính sáng tạo, nghệ thuật chiến đấu, kỹ thuật điêu luyện của những con người trên xe chỉ huy này.
Tiểu đoàn đã đưa ra kíp chiến đấu xuất sắc nhất để đảm bảo cho trận đánh giành thắng lợi.
Đồng hồ trên xe đã chỉ 21h47. Trên mạng lưới thông tin nội bộ, giọng nói quen thuộc của trung tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Duệ từ chỉ huy sở trung đoàn vang lên.
-         Tiểu đoàn 093! Tiêu diệt các mục tiêu hướng Đông Bắc, góc phương vị 107 – 114.
Thiếu tá tiểu đoàn trưởng Trần Lộc, đã nhận được nhiệm vụ, anh không rời mắt khỏi đường quét của Ra đa nhìn vòng, thỉnh thoảng lại nhìn lên bảng theo dõi đường bay của chiến sĩ tiêu đồ đã ghi lại. Những nét chì màu xanh, màu đỏ, màu vàng cong cong, lượn lượn phản ánh các thông số bay của mục tiêu.
Chừng nửa phút yên lặng trôi qua, cả xe chỉ huy hồi hộp đến nín thở. Máy bay địch đã lọt vào khu vực tiêu diệt. Thời cơ diệt dịch đã đến. Tiểu đoàn trưởng Trần Lộc hạ lệnh:
-         Tiểu đoàn 093 chú ý! Tiêu diệt chiến thứ hai, tốp 02.
Ngay sau đó, thiếu úy sĩ quan điều khiển Nguyễn Phiệt ấn tay quay, lệnh cho ba trắc thủ:
-         Sục sạo, tìm mục tiêu:
Cùng một lúc, cả ba trắn ẩn tay quay, điều khiển nhẹ nhàng và kỹ thuật cho cánh sóng xe thu phát (thuộc đại đội kỹ thuật) thu được tín hiệu mục tiêu và lần lượt báo cáo:
-         Báo cáo đã bắt được mục tiêu, góc phương vị 106.
-         Báo cáo đã bắt được mục tiêu, góc tà 21.
-         Báo cáo đã bắt được mục tiêu, cự ly 35750
Sĩ quan điều khiển thông báo lại cho ba trắc thủ:
-         Bám sát chính xác mục tiêu! Chú ý khữ nhiễu.
Mục tiêu đã bị bám sát đến từng phần ngàn giây và đang tiến gần vào vùng sát thương. Giọng nói chắc nịch của tiểu đoàn trưởng vang trong ống nói:
-         Tiêu diệt chiếc thứ 2 – tốp 02.
-         Chú ý! Phóng quả thứ nhất
Tên lửa đã được điều khiển.
-         Phóng quả thứ hai
Tên lửa đã được điều khiển.
Sĩ quan điều khiển ấn nút phóng 2 lần, lần lượt cả ba trắc thủ báo cáo:
-         Tên lửa đã nổ, điểm nổ có góc phương vị 108, góc ả 24, cự ly 22350.
Trên các màn hiện sóng của tiểu đoàn trưởng và sĩ quan điều khiển, một vệt sáng đang tan dần. Mọi người trên xe chỉ huy đã kết thúc thắng lợi trận đánh. Sĩ quan điều khiển vui mừng báo cáo:
Mục tiêu đã bị tiêu diệt ở góc phương vị 108, góc tà 24 cự ly 22350.
Cùng thời điểm đó, ngoài trận địa hỏa lực và từ xa quan sát, bằng mắt thường cũng nhìn thấy một quả tên lửa rời bệ phóng, rồi đến quả thứ hai, tiếp theo là hai tiềng nổ ầm vang. Hai chùm lửa nối đuôi nhau lao vút lên không trung. Một đốm lửa từ rơi xuống trong đêm đen. Máy bay địch đã bị hạ. Tiểu đoàn 093 lập chiến công xuất sắc. Bắn rơi chiếc máy bay A3J với hai quả đạn. Tên trung tá phi công không kịp nhảy dù, hắn đã bị đền tội đích đáng.
Vì phóng ở tầm thấp nên hai phần đuôi của tên lửa đã rơi vào làng, gây ra đám cháy làm thiệt hại hai mái nhà dân. Dân quân đã kịp thời ứng cứu, dập tắt được đám cháy, thiệt hại không đáng kể.
Ngay mờ sáng hôm sau, các cụ già, em nhỏ cùng các bà mẹ phải sơ tán sang làng bên để đề phòng máy bay địch oanh tạc.
Tuy vậy, khí thế chiến đấu của trận đánh đêm hôm trước đang làm nức lòng người. Trong  lòng thật là vui. Khắp thôn xóm được trang điểm thêm bởi dáng dấp dịu hiền của các cô gái. Tôi đã đi nhiều nơi, dừng chân ở nhiều quãng đường, song chỉ có nơi này thật là sạch đẹp. Đường làng tuy còn là đất nhưng nhẵn thín, không một chút rác rưởi. Cả làng dùng nước giếng khơi nhiều hơn nước ao tù.
Tối hôm sau, huyện ủy Lý Nhân có tổ chức cuộc gặp mặt giữa đoàn đại biểu địa phương và đoàn chuyên gia quân sự của trung đoàn mới lập chiến công hôm trước. Cuộc chiến tiếp xúc gọn nhẹ nhựng  thật ấm cúng, thắm tình quân dân và tình hữu nghị bền chặt Việt – Xô.
Tiếng hát của các cô gái lại cất cao. Tôi để ý đến cô hát hay nhất. Cô có giọng hát thật lôi cuốn, truyền cảm. Cô đã trình bày bài: “Người Châu Yên bắn máy bay” và kết thúc bài hát với tràng vỗ tay dài của các khán giả. Hôm ấy tôi cũng mạnh dạn hát bài “Lòng mẹ” bằng hai thứ tiếng Nga và Việt. Vì bốc đồng men bia, tôi hát to và cũng đạt, mấy đồng chí chuyên gia gật gù tán thưởng. Xưa nay, tôi có hát chỗ đông người bao giờ? Tôi để ý đến em hát hay nhất vừa rồi, song thật không may chút nào, tôi phải dịch suốt cả buổi cho chuyên gia nghe. Lúc ra về, tôi đi lẫn trong đám các cô gái và làm quen với họ. Tôi đã gây được sự chú ý của các em, họ đã biết tôi là chủ trì công tác dịch thuật, là chiếc cầu hữu nghị cho phía Việt Nam và phía Liên Xô hiểu nhau.
Cuối cùng tôi đã làm quen được với một cô gái. Cô tên là Mai, giống như tên của một loài hoa trắng, cùng hoa đào thường nở vào mùa xuân. Tôi đi qua nhà cô, ngập ngừng chưa muốn về, song ở đó đông người nên tôi chẳng muốn đứng lại. Tôi hẹn cô ngày mai đến chơi. Cô có giọng nói êm êm và còn trẻ quá, đúng là mới lớn, tuổi hơn 16 chứ mấy. Trước lúc ngủ, tôi cứ luẩn quẩn mãi ý nghĩ triển miên không đâu và đẹp như một bài thơ Xuân. Tất nhiên, chuyện đó chẳng ai biết được ngoài tôi ra, ngay cả mấy đồng đội nằm cạnh tôi cũng đã ngáy khò khò, còn tôi thì thao thức năm canh.
(Vĩnh Trụ - Đồng Lý – Lý Nhân – Hà Nam, 23 – 12 – 1966)
Và thế là đã mấy lần ngồi tiếp chuyện với Mai, cô gái thôn dã nhưng có tâm hồn bao la và rất chân tình. Ở cô ta, tôi thấy được tình cảm mến thương mênh mông, một tâm hồn nghệ thuật và những ý nghĩ thơ mộng mà ở các cô gái Thủ đô cùng lứa tuổi như cô không có được.
Không hiểu mối thiện cảm sâu sắc của tôi đến với cô gái ấy từ lúc nào? Tôi chỉ biết rằng, mỗi lần thấy bóng Mai, chuyện trò cùng Mai là trong tôi lại bừng cháy lên những tình cảm sâu sắc, những ý nghĩ tốt đẹp hơn có khi còn học trong trường đại học.
Phải chăng đó có phải là tình yêu đấy không? Ai mà cắt nghĩa được. Tôi muốn khai thác ở em cái tình cảm ban đầu em đã có với tôi trong lần gặp thứ nhất, nhân lên nửa niềm cảm thông và hiểu người lính để trở thành một thứ tình cảm khác đặc biệt hơn của tuổi trẻ. Tôi đã đến với Mai, cô gái mới lớn, đang chập chững bước vào đời với cả tấm lòng nhiệt thành của chàng trai thủ đô mới rời trường đại học, đang mặc áo lính. Tôi sẽ yêu nàng một cách chân thành, mộc mạc để đáp lại tình yêu chân chất của em – cô gái làng quê sẽ giành cho tôi.
Đối với em, lần đầu tiên em đã rung động bởi tôi, lần đầu tiên em biết thế nào là tình yêu.
Còn tôi, tuy tuổi đời hơn em thật, song những quãng đường đã qua của tôi, kể từ khi còn là một cậu học trò thơ ngây 16 tuổi ở trường cấp 3 cho đến khi trở thành cậu sinh viên chững chạc trong trường đại học, tôi đã gặp nhiều cô gái, cũng đã từng theo đuổi những mối tình cho đỡ tủi với đời, nhưng chưa bao giờ tôi thấy xốn xang như thế này.
Thế mà lần này. Kể cũng hay thật! Không ngờ nẻo đường chinh chiến đã đưa tôi đến đây, cho tôi được gặp em và ở đây, tôi đã thấy được tình yêu thực sự. Tình yêu của tôi với em đã được nảy sinh trong chiến tranh.
(Vĩnh Trụ - Đồng Lý – Lý Nhân – Nam Hà, 28 – 12 – 1966)
Hôm nay đơn vị phải chuyển quân và như vậy những ngày tiếp xúc ngắn ngủi của tôi với Mai chẳng còn nữa. Tôi bàng hoàng cả người khi nhận được tin này. Tôi tìm mọi cách để chia tay với em lần cuối. Tôi mang tất cả đồ đạc ra trận địa trước và quay về nơi đã hẹn em.
Dọc theo đường xóm vắng vẻ, chìm dần trong bóng tối, với ánh sáng mờ nhạt, thỉnh thoảng được chiếu sáng thêm một chút bởi những đàn đom đóm bay, hình như chúng cũng cảm thấy phút chia ly giữa chúng tôi sắp đến nên cứ quẩn quanh bay lượn trên đầu. Trong đêm tối, tôi vẫn nhận ra hình dáng em, em tôi vóc người mảnh dẻ, mái tóc dài óng mượt và tha thướt, cặp mắt u sầu như lúc nào cũng phảng phất một nỗi buồn xa thắm. Em đang đi bên tôi, tôi cầm tay em cứ như thế tôi và em chậm bước trên con đường xóm nhỏ dẫn về phía đình. Tới gần ngã rẽ, chợt thấy những tia sáng ngày càng rõ chiếu về phía chúng tôi, tôi bảo em bước tiếp, còn tôi đứng lại. Cuối cùng, hóa ra là một bộ phận thu hồi doanh trại tiến hành chậm nên mãi tới giờ xe mới ra được. Thế là chẳng sao cả! Trong đình thật vắng lặng và dường như cũng đượm nét buồn của cảnh ra đi, người ở. Đặt tay lên vai em với giọng nói nhẹ nhàng, tôi bắt đầu những lời tạm biệt:
-         Đêm nay là đêm chia tay với em. Không biết nẻo đường chiến tranh còn đưa anh tới quê hương  em nửa không? Dù trong hoàn cảnh nào chăng nữa, anh có thể nói với em rằng: Ở đây, ngay tại quê hương em, em đã có một tình yêu thực sự và chính em là người từ nay về sau anh hằng nghĩ đến.
Mắt long lanh, em ngước nhìn tôi xúc động:
-         Ngày mai anh ra đi và Mai của anh cũng sẽ không còn ở quê hương nữa. Em chúc anh mạnh khỏe, đó là cái cơ bản, lập được chiến công và điều cuối cùng là anh đừng quên em nhé!
Em nói sao mà đáng yêu thế, tôi chỉ tiếc rằng tình yêu của chúng tôi vừa mới chớm nở còn non xanh quá.
Em tâm sự với tôi nhiều và nhiều lắm. Chỉ biết rằng, tới đây, em tập trung học tại đoàn văn công tỉnh Nam Hà mà cách đây không lâu em đã dự thi và đã trúng tuyển. Tôi rất khách quan về nghề văn nghệ chuyên nghiệp này, và căn dặn em cố gắng học tập, rèn luyện, đạt được tiêu chuẩn người nghệ sĩ chân chính. Luôn ghi nhớ, đừng bao giờ quên bản chất tốt đẹp của mình.
Không gian yên tĩnh, bốn bề yên lặng. Trong đêm thanh vắng, chỉ nghe thấy tiếng gió lao xao trên nhành cây khóm lá. Tôi và em bên nhau. Đêm chia tay, chuyện trò cùng em có biết bao điều muốn nói, có những điều đó nói nhưng chưa hết được …
Tôi chợt xem đồng hồ: Đã 20 giờ. Như vậy là đã muộn, tôi phải ra ngay trận địa. Chúng tôi lại theo con đường cũ ra về. Đến gần ngõ, em bịn rịn không muốn bước vào…
Trời tối đen như mực, tối đến nỗi đứng cách nhau hai bước cũng không nhìn thấy nhau. Tôi đứng, hai bàn tay đặt lên đôi vai em, đôi vai gầy guộc của em phải gánh chịu bao nỗi vất vả gian lao! Cả ngày làm việc ngoài bãi mía, ruộng dâu, dệt thảm để cùng mẹ nuôi hai đứa em thơ dại đang đi học. Rồi lại còn sinh hoạt đoàn thể và tham gia dân quân. Em là một đoàn viên gương mẫu trong sản xuất và là nữ dân quân tích cực trong những lần tham gia chiến đấu. Tôi thương em quá, thương vì em phải vất vả sớm chiều. Nhưng chính cái vất cả trong lao động, cộng với bản chất tốt đẹp của cô gái miền quê đã tạo cho em có được suy nghĩ đúng về cuộc đời và thấy giá trị của chính lao động. Đời lính gian truân của tôi tuy vất vả hơn  về mặt tinh thần song về vật chất cũng không thiếu thốn lắm. Tôi là lính phiên dịch, hưởng lương chuyên  nghiệp, theo chế độ quân dân quốc phòng. Tôi muốn giúp đỡ em bớt đi khó khăn về kinh tế, nhưng lại sợ em tự ái không nhận thì ngượng lắm.
Đắn đo mãi, cuối cùng tôi quyết định rút từ túi áo ngực ra số tiền 20 đồng đã chuẩn bị sẵn, đặt vào tay em:
-         Em cầm lấy ít tiền để thêm thức ăn bồi bổ cho mẹ. Hôm qua anh mới lĩnh lương được 60 đồng, Một phần ba anh để lại cho mình, một phần ba gửi qua bưu điện cho mẹ anh sáng nay và số tiền này anh dành cho mẹ em.
Đúng như dự đoán của tôi, em không chịu nhận:
-         Anh đi xa mới cần đến tiền. Em và gia đình ở lại hậu phương  đã có lúa gạo, rau ngoài vườn. Thiếu thốn nữa thì đã có ngô, khoai. Hơn nữa, mẹ em dạo này đã đỡ nhiều. Anh biết đấy: “Hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyển lớn cơ mà”.
Những lời nói sao mà sâu sắc thế! Tôi không phải là một nhà chính trị, song tôi đã thấu hiểu tấm lòng chân thực của em.
Tôi âu yếm đặt hai bàn tay mình lên hai bàn tay em, cố gắng thuyết phục:
-         Anh rất hiểu Mai ạ, em cứ cầm lấy cho anh vui lòng. Trước khi xa quê hương em, anh muốn có một chút quà nhỏ cho mẹ. Mẹ em cũng chính là mẹ của anh đúng không?”
Em đành chịu nhận, xúc động đến trào lệ. Hai hàng nước mắt lăn trên gò má. Tôi hiểu đó cũng là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, của niềm cảm thông sâu sắc của em với tôi. Từ nay, tôi đã có hai người mẹ.         Hai người mẹ đôn hậu cùng một người yêu lý tưởng, đồng thời cũng là người vợ  tương lai luôn ở bên tôi, động viên và cổ vũ tôi thì chẳng có khó khăn nào mà không vượt qua được.
Em ngước nhìn tôi, cặp mắt long lanh, sâu thẳm dưới hàng mi đen cong tự nhiên. Với giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái dịu hiền em hỏi:
-         Tại sao anh lại yêu em? Ngày mai xa nhau rồi anh có nhớ em không? Nhớ thì anh làm gì?
Nhìn thẳng vào mắt em, tôi âu yếm:
-         Anh yêu em từ buổi ban đầu đã gặp. Anh yêu em bởi em là một người con gái đẹp cả vẻ ngoài và tâm hồn. Xa em, không gặp em, anh sẽ viết những dòng nhật ký về em, về cuộc gặp gỡ với em và viết về tình yêu của chúng mình. Anh sẽ ghi nhớ mối tình với em đến tận phút chót cuộc đời. Những hôm sáng trời, anh ngắm nhìn dải sao ngân hà, ngắm nhìn Sao Hôm, Sao Mai. Những hôm có trăng, sao, em cứ nhìn lên ngôi sao Mai thì sẽ thấy anh ở đó. Sao Mai chính là tấm gương phản chiếu để anh và em nhìn thấy nhau.
Em mỉm cuời, nũng nịu:
-         Anh lãng mạn quá. Người lính lãng mạn như anh thì có bao giờ buồn. Các anh đi muôn phương, khắp đó đây, biết nhiều và hiểu nhiều. Anh đừng cười em quê mùa nhé! Em chẳng biết gì đâu.
Tôi vén sợi tóc tơ đang lòa xòa trên trán em:
-         Không em ạ, anh đang rất tự hào vì có được tình yêu với em. Trước kia, khi kết thúc trường phổ thông bước chân vào đại học với tuổi 17, đến nay là 22, anh đã từng ao ước có được một tình yêu. Anh thường nghĩ tình yêu ban đầu của mình sẽ có ở nơi đâu? Trong trường hợp nào? Ngay tại chốn đô thành tấp nập, nơi mình đã trưởng thành chăng?  Không, thực sự đã hoàn toàn khác hẳn. Chiến tranh, chính chiến tranh đã vẫy gọi anh tình nguyện vào quân ngũ để bảo vệ Tổ quốc đang  lâm nguy. Chiến tranh đã đưa anh đi khắp các miền của đất nước và lần này dừng chân tại quê hương em. Quê hương em có dòng sông trong xanh, êm đềm, uốn lượn, có những con đường nhẵn nhụi, rợp bóng cây, có những bà mẹ tần tảo đôn hậu đã sinh ra những người con gái đẹp như em”.
Tôi vuốt ve làn tóc mây dài, óng ả. Em áp vào ngực, tôi nghe rõ từng nhịp đập trái tim. Ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong tôi, lan tỏa sang em, xua đi cái ảm đạm của tiết đông lạnh lẽo. Tôi thấy mình đang bồng bềnh trôi. Tình yêu của em dành cho tôi đã nâng tôi lên tầm cao của vũ trụ bao la. Tôi thơm làn tóc mây mượt mà và tha thướt, như muốn thời gian chững lại để cho phút giây chia tay này không kết thúc. Em khóc, tôi thoáng hiểu em khóc vì thương tôi, em thương người lính, tình thương của em đã được nhân lên và mang theo một hương vị đậm đà khác, đó là tình yêu. Tình yêu của em đã giành cho người lính. Em thương người lính, trong đó có cả người mình đang yêu, ngày mai phải tiếp tục xông pha trận chiến và không biết có được trở về gặp em không hay vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường? Tôi thấm nhẹ những giọt nước mắt nóng hổi của em. Em nhìn tôi âu yếm. Đôi mắt rực sáng và sâu thắm của em từ nay lại đượm thêm một nét buồn. Tôi thơm nhẹ trên làn mắt, một mùi thơm toát ra từ làn da mịn màng nỏng hổi, tôi tiếp nhận như một niềm hạnh phúc thiêng liêng. Tôi dừng lại ở đó và không hơn nữa, vì sợ em không hiểu đúng về tôi. Tôi trân trọng và tôn thờ những điều thầm kín nhất. Một phút yên lặng trôi qua, tôi cố gắng động viên em:
-         Hãy dũng cảm lên! Đừng khóc nữa đi em! Ngày mai anh đi rồi, hy vọng sẽ gặp lại em ngay tại đây, tại chốn quê hương thân thiết của em và bây giờ cũng là quê hương của anh, anh chẳng nghĩ đến ai khác nữa. Đời chinh chiến còn dài và còn biết bao thử thách, biết bao hy sinh mất mát nhưng từ nay đã có em bên cạnh, anh chẳng sợ gì. Em đã tiếp cho anh thêm một nghị lực để chiến thắng những thử thách ác liệt của bom đạn. Em luôn ở bên anh, phù hộ cho anh, anh sẽ trở về trọn vẹn trong ngày toàn thắng.
Bỗng nhiên, tôi liên tưởng tới cuộc chia tay với Quỳnh Oanh, cô gái hơn hai tháng trước đó đã quen, đã yêu nhưng mất liên lạc. Người con gái mà tôi đã chỉ yêu trong có hai lần gặp mặt để rồi đến lần thứ ba tôi đã không tới được và đã chấm dứt một mối tình khổ đau: Không có địa chỉ của em (Em định ghi cho tôi trong lần gặp thứ ba đó) và không có địa chỉ của tôi (Lúc đó đơn vị chưa có hòm thư). Không! Lần này thì không thể được. Quê hương em, địa chỉ em tôi đã thuộc lòng. Hòm thư của tôi, tôi đã ghi ngay vào trang đầu cuốn sổ tặng em. Lần này thì không thể mất được! Chỉ biết rằng tôi đang đắm say và ngây ngất trong mối tình đầu. Tôi thơm hai bàn tay em, hai bàn tay với những ngón tay thon thả, lòng bàn tay ram ráp mang theo dấu tích của vất vả nắng mưa. Nhè nhẹ đưa bàn tay em xoa lượt trên má, tôi cảm nhận được người mình yêu là chân chất. Tự hào em là cô gái chân đất, áo vải quần nâu, nhưng bên trong là cả một thể giới bao la mà không phải ai cũng chinh phục được. Tôi nghẹn ngào sung sướng trong giây phút suy cảm đó. Đêm chia tay nào mà chẳng đượm buồn, nhất là trong mối tình đầu, song đêm chia tay cũng lại vững một niềm tin. Tin là em sẽ chung tình và đợi chờ. Tôi tin điều đó như tin ở chính mình, như một niềm tin sắt đá,  chúng ta sẽ chiến thắng kẻ thù không đội trời chung, tôi sẽ trở về vẹn toàn trong ngày vui chiến thắng của cả nước. Đêm về khuya, sương giá càng nhiều. Với bộ quân phục Tô Châu màu cỏ úa, bên trong duy nhất là chiếc áo dệt kim Thu Đông, song tôi chẳng thấy rét. Tôi đang được sưởi ấm bởi ngọn lửa tình yêu nồng nàn, em đã và đang giành cho tôi. Em đang ở bên tôi và mãi mãi như vậy. Đặt hai bàn tay em áp vào ngực mình, tôi động viên:
-         Đừng buồn em nhé! Anh đi rồi lại trở về với quê hương em và gặp lại em, anh muốn em sẽ trẻ đẹp mãi, muốn cho nụ cười không bao giờ tắt trên làn môi, không muốn những nếp nhăn vô cớ trên đuôi mắt em vì em là cô gái trung hậu, đảm đang, giỏi việc nhà, hay việc nước. Nay mai em cũng ra đi theo con đường nghệ thuật, anh cầu chúc cho em có một sức khỏe dồi dào, trưởng thành trong nghiệp vụ, lớn lên trong cuộc sống. Hãy giữ trọn niềm tin với người lính!
Một luồng gió lạnh bất ngờ ập đến, ngắt đứt dòng suy tư của tôi, tôi chỉ thấy em luôn gật đầu, xen lẫn những tiếng “vâng!” “dạ!” triền miên. Phút chia ly không tránh khỏi. Tôi nắm chắt hai bàn tay em, em cứ để nguyên như thế, không muốn rời xa. Em vào nhà, còn tôi quay ra ngõ. Thật là may cho tôi, ngoại cảnh cũng chiều theo lòng người: Đơn vị phải chuyển quân ngay, còn tôi được ở lại một ngày để cùng các chuyên gia tên lửa đi sau. Tôi lại qua nhà em, nhưng chỉ đứng ở ngoài, mặc dù biết em vẫn còn thức. Tôi đứng mãi bên hàng rào dâm bụt, cứ đứng lặng yên như thế như muốn những giờ phút gặp em được lặp lại.
Sáng hôm sau, tôi ở lại nhà em. Mẹ Mai bên bà ngoại, nhà chỉ có ba chị em. Chẳng có công việc gì, tôi nói chuyện với các em của Mai: Tuyết Thanh và Lâm Quân. Tôi bảo Lâm Quân mang sách ra học, tôi chỉ cho em cách làm bài tập làm văn, giải mẫu cho em một số bài toán khó. Lâm Quân bằng tuổi cậu em tôi ở nhà, cũng học lớp bốn. Tới gần trưa, ba chị em mời tôi ăn cơm. Bữa cơm đạm bạc: Cơm độn khoai, một đĩa rau lang luộc chấm tương và một đĩa tép rang muối, Lâm Quân mới cất được sáng nay tại ao nhà. Tôi thấy ngon miệng vì đã lâu không được ăn trong không khí gia đình. Bữa cơm không nặng đũa nhưng thắm tình quân dân. Tôi cũng thất được sự chắt chiu, dành dụm của những người nông dân để phần ưu ái cho bộ đội thời chiến. Bộ đội thời chiến không phải ăn độn, bữa ăn cũng có chất tươi, đủ sức khỏe để chiến đấu. Tôi thấy được cái nghĩa lớn của hậu phương đã giành cho các chiến sĩ: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”.
Buổi chiều, tôi và Mai chia tay nhau trên con đường mòn đầu thôn. Tôi còn nhớ rõ buổi chiều đông hôm ấy. Mới hơn bốn giờ chiều nhưng trời xám ngắt. Tôi chẳng muốn chia tay chút nào, nhưng không thể làm khác được. Tất cả nặng trĩu, lưu luyến và vấn vương. Trong giây phút ngập ngừng, em chỉ kịp trao cho tôi chiếc khăn thêu kỷ niệm do chính em làm nên. Và rồi, em đi theo tiếp con đường mòn đó. Còn tôi, tôi quay trở lại, đi được vài bước, tôi dừng chân nhìn theo bóng em tôi nhỏ bé, phớt dần sau dặng nhãn xanh rờn. Phía xa xa, em đang đứng đó, vẫy về phía tôi. Giữa chúng tôi từ đây là cả một khoảng trời xa cách. Phải chăng tôi ra đi để tìm “Gió viễn phương”. Không! Tôi đi để tiếp bước đời chinh chiến trong cuộc chiến đấu bảo về bầu trời Tổ quốc, chiến đấu cho những người thâm, cho bạn bè và cho chính gia đình mình. Em cũng ra đi vì cuộc sống. Tuy mới lớn, mới chạp chững bước vào đời, xong cũng lận đận và chẳng dễ dàng gì cho cam!
Một ngày buồn của tôi, của đời tôi và cùng là một lần chia tay mà trong tôi rộn lên một mối tình tha thiết, tình yêu thương với một người con gái thôn quê mình đã yêu và đang yêu lúc nào không hay biết. Từ đây cuộc sống và chiến đấu còn trải qua nhiều gian truân, vất vả, bây giờ đã có em – Cô gái mà bấy lâu nay, tôi hằng mơ ước, đã có một tình yêu thực sự, thì những khó khăn gian khổ trên đường chinh chiến đối với tôi chẳng thấm gì, tôi sẽ vượt qua tất cả. Em luôn ở bên tôi. Em sẽ đợi chờ và chung tình.
(Vĩnh Trụ - Đồng Lý – Lý Nhân – Nam Hà, mồng 5 tháng 1 năm 1967)
Đêm ấy ra đi, xe hành quân qua hàng rào nhà em. Hình ảnh Vĩnh Trụ xanh tươi chẳng còn nữa. Tất cả lùi lại đằng sau. Chuyến hành quân này xa quá, mãi tận chín giờ tối đoàn xe mới đến được thành phố Nam Định. Thành Nam khói lửa là đây. Tuy chiến tranh nhưng đường phố vẫn còn phảng phất những anh đèn không sáng lắm, gợi cho tôi những hình ảnh của Thủ đô vào ban đêm. Đêm hành quân nặng nề, kéo dài và có lẽ chỉ mình tôi cảm thấy thế.  Càng đi lâu, tôi càng chán ngắt vì biết rằng lại càng phải xa em, xa quê hương em nhiều hơn. Suốt cả ngày và suốt cả chặng đường, cái tên Mai thân thuộc cứ nhắc đi nhắc lại trong tôi như một bài ca không tắt. Đến khoảng ba giờ sáng, đoàn xe mới dừng lại, vào trận địa, còn đoàn xe của tôi cùng chuyên gia đi tiếp để đến địa điểm đóng quân. Xe đi qua những cánh đồng trĩu hạt ven quốc lộ một. Mới tảng sáng đã thấy cả vùng quê rộn rã mùa thu hoạch. Tiếng đập lúa, xe thóc nghe thật vui tai.
Mãi tám giờ sáng mới tới được địa điểm tập kết. Đây là một miền đất đồi đỏ. Chúng tôi đóng quân ngay tại khu rừng Cà phê bạt ngàn của một nông trường. Từ đây đến chỉ huy trưởng trung đoàn khá xa, chừng vài chục cây số. Vì vậy, mọi công việc tại đây đều do tôi giải quyết. Trước hết là phải ổn định nơi ăn chốn ở cho chuyên gia, bố trí hầm hào phòng không, quan hệ với địa phương…
Công việc bù đầu, không có lúc nào để viết thư cho Mai được. Chắc là em đang nóng lòng chờ thư. Thế là sau năm ngày từ hôm ấy đến đây, nay mới được rảnh  rang đôi chút, tôi cầm bút viết lá thư đầu tiên cho em vào một đêm đầu mùa đông. Mùa đông đến sớm, tuy đầu mùa nhưng cái rét cũng rất khắc nghiệt.
(Hà Trung – Thanh Hóa, 10 – 1 – 1967)
“ Hà Trung – Thanh Hóa, 10 tháng 12 năm 1967
Mai xa nhớ của anh!
Anh đang hối hả thả tâm hồn theo dòng mực để viết thư về cho em. Biết viết gì đây trong lá thư đầu này nhỉ? Anh chỉ biết rằng mình đang hướng về quê hương em, làng Vĩnh Trụ xanh tươi, có dòng sông Châu êm đềm chảy với cả tình cảm mến thương sâu sắc nhất của anh.
Em ơi! Hôm ấy ra đi lòng nặng trĩu. Xe cứ đi, đi hoài đi mãi, dọc theo con đường đã ghồ ghề khúc khuỷu từ  Lý Nhân, theo đê Hữu Bị đến thành phố Nam Định rồi lại đi tiếp tới đường số một, theo con đường đất lửa xuôi về phương Nam. Đến tận gần sáng, anh đã thấy mình đang ở vào một vùng đồi trung du bạt ngàn. Đây là địa phận của tỉnh Thanh Hóa. Thế là anh và em đang ở xa nhau đến 50 cây số theo đường chim bay. Đêm chia tay với em, anh không thể tưởng tượng được mình sẽ sống thế nào khi vắng bóng em. Giờ đây giữa em và anh là cả một khoảng trời xa cách, anh mới thấy hết được thế nào là chia ly!
Em ơi!
Đêm qua gặp em trong mơ
Bên song của sổ dáng thẫn thờ
Hôm ấy ra đi lòng  man mác,
Để lại tình em muôn ý thơ.
Mai em! Em có nhớ anh không? Riêng anh như đã nói với em trong đêm chia tay: Xa em, nhớ em, anh sẽ ghi những dòng nhật ký về em, về cuộc gặp gỡ của chúng ta và về tình yêu giữa anh và em. Lúc này đây, khi đã viết được lên những dòng chữ gửi cho em thì nỗi buồn ở trong anh đã vơi đi rất nhiều! Em biết vì sao không? Anh hiểu và tin tưởng rằng: vắng em, xa em chỉ là tạm thời, chúng ta sẽ hội ngộ, sẽ được gần nhau phải không em? Đó là ước mơ, là niềm tin, đồng thời cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao với anh.
Trong lá thư đầu tiên này anh muốn nói với em rằng: Anh đã gặp may, số trời run rủi thương người lính như anh, đã đưa anh tới quê hương em, để rồi gặp em, quen em, hiểu em và yêu em. Cám ơn em rất nhiều, em đã đem lại cho anh một mối tình cao đẹp. Anh luôn luôn tự nghĩ mình phải làm gì để đáp lại tình yêu đó. Em biết hiện nay anh sống và làm việc như thế nào không? Anh kể cho em nghe nhé: Anh cùng đoàn chuyên gia tên lửa Liên Xô (những người Nga, Ukraina đã có mặt trong buổi  tiếp xúc với huyện ủy Lý Nhân và đoàn thể địa phương tại quê hương em mà em đã chứng kiến) phải sống trong doanh trại dã chiến, nghĩa là sống trong những nhà lều bằng bạt tạm thời trên một khu đồi bạt ngàn những cây cà phê. Đất ở đây quý người lắm em ạ! Buổi sớm sương muối chưa tan hết, đất màu đỏ quạnh hơi ướt, cứ dính chặt lấy đế giầy chẳng buông tha. Lạnh lẽo vô cùng vào ban đêm, nhưng ban trưa lại hấp nắng vì vải bạt hấp thụ cái nóng và cái lạnh rất nhạy. Ban ngày các anh em phiên dịch và chuyên gia được nghỉ, cơm chiều xong từ 17 giờ là lại lên xe đi ra trận địa cách đó chừng hai, ba chục cây số. Tới trận địa chiến đấu với các chuyên gia nhân sự cùng các trắc thủ, sĩ quan Việt Nam điều chỉnh máy móc, kiểm tra khí tài đã sẵn sàng chiến đấu. Làm việc đến gần sáng thì lại trở về doanh trại dã chiến. Các anh đã quen thức đêm rồi. Nói chung chẳng quản ngại gì với người lính thời chiến thì điều đó là quá bình thường. Song điều đáng ngại hơn cả là việc đi lại trên đường dưới vòng kiểm soát của máy bay địch. Máy bay Mỹ rà soát suốt đêm, chúng sục sạo, phát hiện mục tiêu, thả pháo sáng, bắn rốc két, thả bom bi, bom từ trường. Chúng chẳng khác gì những tên trộm rình mò cước đêm. Anh lúc nào cũng nghĩ đến em và có cảm giác rằng, em luôn ở bên anh. Anh chẳng sợ vất vả, hy sinh, vì thật ra cái chết cũng không dễ gì! Người ta thường bảo: con người có số, anh không tin ở điều đó nhưng anh cũng chẳng sợ gì cái chết. Anh lại nghĩ: Chính những người sợ chết trong chiến đấu thường không làm chủ được mình và hay không gặp may. Ngược lại, mạnh bạo và dũng khí chính là điều tương phản với cái chết.
Em ơi! Nếu như số phận hẩm hiu có đến với anh thì anh cũng chẳng tiếc gì vì đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của một người đoàn viên trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược đang gây biết bao đau thương tang tóc trên đất nước ta. Anh chẳng tiếc gì vì đã có được một tình yêu với em. Tình yêu của em giành cho người lính như anh, đó là nguồn sức mạnh vô biên, tình yêu ấy là bất diệt. Em ơi! Anh vẫn khỏe, rất lạc quan và yêu đời.
Em ơi, cuộc đời người lính như anh chẳng sợ gì gian lao vất vả mà anh chỉ sợ mất hết tình. Anh hiểu là mình không bao giờ rơi vào trường hợp đó phải không em? Vì:
Em là cô gái chân tình mộc mạc,
Ánh mắt em là vì sao sáng.
Soi rạng đường cho bước anh đi,
Gian lao vất vả chẳng hề chi.
Mai em! Trong đời anh, kể từ khi biết suy nghĩ, chưa có bao giờ, chưa có lần nào, chưa có lá thư nào anh viết sôi nổi và dài như lá thư đầu tiên này cho em. Phải chăng, tình anh là muôn thuở, là mênh mông, vô bờ nên anh cứ mãi miết, mải miết, dòng suy cảm cứ tuôn trào, dâng lên mãi không kết thúc.
Anh muốn viết thêm nữa cho em đỡ buồn, cho em đọc thật nhiều, cho lòng bớt trống trải, cho bớt nỗi nhớ nhung. Song, đêm đã về khuya, khuya lắm rồi. Xung quanh anh chỉ thấy im lặng và quạnh hiu, chỉ có tiếng côn trùng đang rả rích. Một luồng gió mạnh tạt vào bàn, ngọn đèn dầu le lói như muốn tắt hẳn.
Thôi nhé, tạm biệt em yêu, cuối thư cho anh gửi lời chào từ chiến trường đến mẹ, chúc mẹ khỏe, các em ngoan, học hành tiến bộ. Chúc em yêu của anh luôn trẻ, đẹp, hồn nhiên, hát hay và đừng buồn em nhé. Anh sẽ viết thư nhiều cho em. Chờ thư em!
Anh của em
Hồng Quang
Chiều nay tất cả ăn cơm sớm để chuẩn bị cho đợt cơ động mới. Lần này kéo quân ra chứ không vào sâu phía Nam nữa. Mãi chín giờ mới tới được con đường rẽ vào nông trường Đồng Giao của đất Ninh Bình. Tới được trận địa thì trời đã sáng bạch. Triển khai khí tài xong, có lệnh phải dấu khí tài, máy móc, chuẩn bị cho hành quân đến trận địa khác.
Hôm sau lại ra đi, từ biệt đất cà phê, xứ sở của những cánh đồi bạt ngàn thẳng tắp.
Đoàn xe hành quân vào trung tâm thị xã Ninh Bình. Gần hai giờ sáng mới tới nơi, song ngay tại trận địa cũng đã có rất đông đội ngũ các anh chị em dân quân gánh đất đá, sửa đường giúp đơn vị chiếm lĩnh trận địa. Buồn ngủ quá, đành vào một ngôi nhà bỏ hoang, trải bạt ra, chẳng để ý gì đến sạch hay bẩn, lăn ra ngủ, phía dưới lổn nhổn những vôi vữa đã khô và gạch vụn. Sáng hôm sau phải ra trận địa sớm, cùng chuyên gia điều chỉnh máy móc. Bên ngoài vẫn tấp nập nhộn nhịp, những tiếng máy chậy êm êm. Vẳng ra là những tiếng hát, tiếng hò chẳng khác gì tiếng hò dô kéo pháo, một khí thế hừng hực của đoàn quân chiến thắng.
Hôm nay, nhàn rỗi, tai lại có dịp dạo quanh thị xã Ninh Bình. Thị xã nhỏ vắng tanh vắng ngắt, có những ngôi nhà đồ sộ nhưng chẳng có một ai, họ đã đi sơ tán cả rồi. Thị xã nhỏ này đẹp và đất Ninh Bình cũng nổi tiếng về Sông Vân, Núi Thúy. Sông Vân quả là đẹp thật, lòng sông không rộng, thành vách đứng, nước trong veo, êm đềm chảy về hướng Đông. Nước chay lắt léo, uốn lượn quanh một phố chính gần trung tâm thị xã. Chiếc cầu gỗ bắc qua sông nho nhỏ, hơi cong cong. Trông xa như một chiếc cần câu dài bắc ngang. Dưới cầu là những mảng, bè gỗ, nứa đang nối đuôi nhau về xuôi. Chiến tranh đã làm cho thị xã trở lên vắng lặng, ban ngày hầu như không có người qua lại, chỉ có những đoàn xe nối đuôi nhau ngược xuôi vào Nam ra Bắc. Đó là những đoàn xe quân sự của hậu phương lớn cho tiền tuyến ở phía trước. Ban đêm, những đội viên thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước bắt đầu lao vào công việc rất khẩn trương, họ đi sửa một đoạn đường mới bị phá đêm hôm trước. Chị em vất vả hơn bộ đội nhiều: đi bộ hơn 10 cây số đến nơi làm việc và đến gần sáng thì lại trở về. Đáng thương và mến phục nhất vì học là những chị em phụ nữ.
(Thị xã Ninh Bình– 15 – 02 – 1967)
Nắng ấm dần xua tan sương mù giá rét của những sớm mùa đông. Vào một buổi trưa nắng đẹp, mình có dịp dạo chơi thị xã, lần này đi xa hơn một chút: Vòng quanh khu công viên tới chùa Non Nước, một danh lam thắng cảnh của tỉnh và của đất nước. Khu công viên này hơi giống Bạch Thảo Hà Nội. Vết tích của những lần máy bay Mỹ ném bom vẫn còn kia: Hố bom sâu, đọng nước chẳng khác gì những chiếc giếng làng. Có lẽ những ngày hòa bình xưa kia, ở đây thật là vui. Chùa Non Nước đối diện ngay công viên. Đó là một quả núi dựng đứng , trơ trọi ngay bên dòng sông, trông thật uy nghi, lẫm liệt. Quả là “Chùa Non Nước gió lộng quanh năm”. Đúng thật! Leo được hết chín mươi chín bậc thang thì đến đỉnh núi. Trên đỉnh núi không rộng lắm, từ đó nhìn xuống dòng sông đang chảy siết cũng thấy hơi ghê. Gió lộng từ phía biển thổi tới tấp, mình lại nhớ đến những ngày tham quan, thăm tượng Ky – Rốp ở Ba – Ku (Thủ đô Adecbaigian), những năm trước kia. Hồi ấy, gió cũng mạnh như thế này, nhưng có phần lạnh hơn nhiều. Mình lượm mấy bông hồng đẹp nhất. Ôi! Những bông hồng đó tư lự khoe sắc, mặc dù bom đạn của cuộc kháng chiến chống Pháp trước kia và những đợt công kích bằng máy bay của bọn cướp Mỹ ngày nay cùng không giảm được sức sống mãnh liệt của con người miền Non Nước. Hoa vẫn thi nhau đua khoe sắc tượng trưng cho cuộc sống không ngừng vươn lên. Hoa đẹp thật, chỉ hiềm một nỗi là vắng người quá. Có lẽ  những bông hồng hôm nay cũng vui hơn một chút bởi có người chiêm ngưỡng nó. Những gốc hồng có nhiều cánh hoa rơi, những cánh hoa đã tàn lụi. Hoa ở đó nhưng chẳng có ai thưởng thức. Hôm nay có anh bộ đội tới thăm, những gốc hồng như xanh lại và những bông hoa tươi thắm rung rinh theo làn gió. Đúng, chiến tranh  chẳng có ai đến đây thì ta đến vậy. Ta với hoa và hoa với ta thật hữu tình. Ở một góc kia còn nguyên cả một ụ pháo, có lẽ là trận địa của một khẩu địa nào đã từng chiến đấu ở nơi đây. Cầu Ninh Bình gẫy gục còn đó, đủ tố cáo hành động dã man của quân cướp trời Mỹ. Cho mày cứ phá, ta đi cầu phao. Bước tiến của quân ta vẫn vùn vụy. Non Nước ngày xưa và nay vẫn giữ vững truyền thống hiên ngang bất khuất, dòng sông Vân kia và Núi Thúy  đã từng chứng kiến biết bao chiến công lừng lấy chống ngoại xân trước kia, trong kháng chiến đã xuất hiện chiến sĩ Giáp Văn Khương dũng mãnh và ngày nay vẫn núi này, đã thấy xác máy bay Mỹ chìm nghỉm dưới sông Vân.
Hiên ngang hùng dũng một góc trời
Non Nước chùa kia vẫn đấy thôi
Bon rơi đạn nổ tha hồ phá
Núi Thúy, Sông Vân chẳng chịu lui
Thôi nhé, tạm biệt Núi Thúy với sông Vân, anh bộ đội ngả mũ chào và cũng không quên ngắt mấy bông hồng đẹp nhất, tươi nhất về kỷ niệm. Nẻo đường chiến tranh đưa chân anh bộ đội đến nơi danh lam thắng cảnh này. Anh bộ đội sẽ chờ ngày hòa bình đầu tiên đến thăm nơi đây và lúc đó sẽ mang hoa đến trồng chứ không phải đi tay không như hôm nay.
Và cũng chính hôm nay, ngày 28 tháng 2 năm 1967 tôi đã nhận được lá thư đầu tiên của Mai tại Thị xã Ninh Bình.
Vĩnh Trụ, ngày 12 – 2 – 1967
Hồng Quang anh thương yêu!
Từ hôm anh ra đi đến nay đã được bảy ngày. Mới có bảy ngày xa anh thôi mà sao em thấy trống trải quá. Em buồn, nhớ thương người lính, nhớ lại những kỷ niệm mà từ khi em mới lớn đến nay, chưa bao giờ lại xao xuyến đến thế!
Anh đừng cười em nhé! Em chỉ là một cô gái thôn quê bình thường, không phải là đẹp và sâu sắc như anh vẫn tưởng tượng. Những lúc gặp em, chuyện trò cũng em, anh hay ca ngợi em, em lấy làm ngượng lắm. Em không thích thế đâu!
Anh là trai Hà Nội, anh đi nhiều, hiểu biết nhiều, anh nói chuyện nghe hấp dẫn, kể chuyện hay thì cô nào mà chẳng thích phải không anh?Những lúc buồn, ngồi bên cửa sổ nhìn về phía Nam (có lẽ anh đang ở đó) nghĩ về anh, nhớ lại từ buổi đầu tiên gặp anh trong buổi tối tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô. Hôm ấy, nghe anh dịch ra tiếng Việt và nói lại cho người ngoại    quốc hiểu, em thấy anh giỏi quá và thế là em chú ý đến anh. Không ngờ anh em quen nhau như thế anh nhỉ?
Anh ơi, thú thật với anh rằng, trước khi gặp anh cũng có những người khác, trong đó có một anh ở thành phố Nam Định, công tác tại đoàn văn công tỉnh, đặt vấn đề với em, em đang phân vân chưa trả lời thì em gặp anh đấy. Ban đầu khi anh nhận em là “em kết nghĩa” em cứ tưởng là anh nói cho vui thế thôi. Không ngờ anh lại tỏ tình với em nhanh chóng đến thế nhỉ? Có lẽ chính anh là người lính cho nên em mới trả lời và nhận lời. Nghĩ lại mà em thấy ngượng quá anh ạ! Anh đừng cười em nhé!
Anh ơi! Anh có khỏe không? Hôm ấy anh đi có xa không? Em rất mong một ngày nào đó, đơn vị anh lại về quê hương em đóng quân thì hay biết mấy.
Em Tuyết Thanh và Lâm Quân, vẫn nhắc đến anh luôn. Riêng Lâm Quân nó rất nhớ anh. Nó bảo em rằng anh hát hay lắm. Nó thích bài “con cua đá” mà anh vẫn hát ở nhà em.
Anh ơi! Em báo cho anh một tin quan trọng là em đã nhận được giấy triệu tập vào học tại Đoàn ca múa Nam Hà mà cách đây hơn một tháng em có tham gia thi tuyển. Như vậy là từ 20 tháng 2 em sẽ tập trung vào học tại Đoàn. Hiện nay, Đoàn sơ tán ở huyện Thanh Liêm, cách cầu Khuất chừng 10 cây số. Em sẽ báo cho anh địa chỉ mới trong thư sau. Anh cứ gửi thư về nhà em cũng được anh ạ, vì thứ bẩy thì học sinh được nghỉ, em sẽ về nhà thường xuyên. Mẹ em và gia đình vẫn bình thường. Anh ơi! Hôm nay em ra ruộng tỉa lá mía. Thửa ruộng ngay bên cạnh đường đầu thôn, nơi em và anh đã chia tay nhau, em lại nhớ đến những ngày đơn vị anh đóng quân ở thôn em, Những ngày ấy sao mà vui thế anh nhỉ! Các anh đi rồi, vẫn quê hương em đây mà sao thấy vắng lặng quá anh ạ!
Anh Hồng Quang! Em sắp phải xa nhà, xa quê hương, em không tưởng tượng được mình sẽ ra sao ở môi trường mới lạ. Anh ạ! Từ bé đến giờ, em chưa xa nhà đến vài ngày, mà tới đây, bước vào cuộc sống mới, em phải xa những người thân: Hai đứa em còn nhỏ dại và mẹ đang càng ngày một yếu dần vì tuổi tác. Cứ nghĩ về điều đó, em lại thấy buồn và lo. Thế mới biết thông cảm với các anh bộ đội trong thời chiến phải chiến đấu và xa nhà đằng đẵng, nay đây mai đó, chẳng có nơi nào là cố định. Từ chỗ thông cảm rồi lại đến lòng mến phục với những người chiến sĩ, nhất là các chiến sĩ phòng không, đang ngày đêm chiến đấu chống trả máy bay kẻ cướp Mỹ, bảo vệ bầu trời của Tổ quốc. Những người bộ đội ở phương xa đó có cả anh của em nữa.
Anh có hay nhận được thư của gia đình không? Bố mẹ anh vẫn khỏe chứ? Viết thư cho em nhé. Em đợi thư anh, mong thư anh từng ngày đấy, anh có biết không?
Em dừng bút tạm biệt anh.
Em yêu của anh
Tuyết Mai
Đọc thư Mai đến chục lần mà chẳng thấy chán. Càng đọc càng thương em và thế là tôi lại viết cho em một lá thư nữa. tôi muốn rằng em sẽ không bao giờ phải buồn, tâm hồn nghệ sĩ của em sẽ không bao giờ bị nguội lạnh, trái lại nó sẽ được ngọn nửa yêu thương tiếp thêm nghị lực, cứng rắn hơn và phát huy đuợc khả năng của mình.
Em ơi! Có biết chăng lòng anh lúc này? Anh yêu em, muốn gần em chuyện trò cùng em nhưng những điều đó bây giờ chỉ còn là ước mơ mà thôi. Kể từ buổi xa em, anh vẫn đi hoài đi mãi, khoảng không gian và thời gian xa cách giữa anh và em cứ dài mãi ra. Nguời lính, em biết rồi đấy, dù có gian chuân vất vả,dù có phải hi sinh, họ cũng chẳng tiếc gì, họ chỉ luôn luôn nghĩ và sống bằng những kỉ niệm êm đẹp đã qua. Những kỉ niệm đẹp đó và nhất là có một tình yêu như em với anh thì ước mơ đó sẽ là nguồn động viên mãi mãi cho đến phút trót của cuộc đời. Anh ghi nhớ và nâng niu, ghi nhận một điều mà trước khi chia tay, khi xa nhau, em đã nói với anh rằng: Dù cho bão táp mưa sa, dù cho sóng cả núi ngàn, thậm chí quả đất có thể nứt đôi đi chăng nữa, thì em vẫn là của anh. Tất cả những cái đó giờ đây với anh chỉ là dĩ vãng muôn thuở, cái dĩ vãmg bất diệt có tại quê hương em đã là nguồn cảm hứng cho những bài ca và những lời văn không bao giờ kết thúc, nói về mối tình cao đẹp có một không hai giữa anh và em. Em nhớ rằng hình bóng em không bao giờ phai nhạt trong tâm trí anh. Thôi em nhé, em hãy đi ngủ đi, chúc em đêm nay ngủ say đắm, gặp em trong mơ và nhớ giữ gìn sức khỏe đấy. Đừng ốm mà anh đau buồn.
Còn anh giờ này vẫn đang thức, còn đang làm việc và cũng thức vì em.
Ý Yên – Nam Hà, ngày 28 tháng 2 năm 1967
Em xa nhớ!
Phong thư đầu gửi em đã bay đi và đang trên đường đến tay em, lá thư thứ hai này được viết mải miết và thiết tha như tình anh mặn mà, nồng thắm, như tình cảm mến thương, vô bờ bến của người lính đã có được một tình yêu ngây ngất và đắm say của cô gái đồng quê, mộc mạc chân tình đã trao chi anh. Còn gì sung sướng và hạnh phúc hơn thế nữa trong không khí thời chiến này phải không em?
Em ơi! Lá thư trước viết cho em đang còn ở miền đồi bạt ngàn cà phê, thì lá thư  này lại được viết tại một miền đồng bằng trù phú, phì nhiêu, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đây cũng chính là một thắng cảnh của cả nước: Đền Phủ Giầy thuộc huyện vụ bản, Nam Hà. Cuộc đời người chiến sĩ phòng không là như thế đấy em ạ. Nay đây, mai đó, chẳng có nơi nào là nhất định. Đó là cuộc sống và chiến đấu, song tâm trí anh, cả một thế giới tâm hồn bao la, gửi gắm vào một địa chỉ tin cậy đó là quê hương em và em. Dù có đi đâu chăng nữa, dù có phải xa như thế và xa hơn nữa, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, dù có là tồi tệ nhất: Phải hy sinh cho nhiệm vụ chiến đấu, thì anh cũng chỉ nghĩ đến em mà thôi.
Lúc này đây, viết thư cho em và suốt cả ngày hôm nay, anh chỉ thấy những buồn. Cái buồn ở đây không chỉ là vắng xa em, mà em ơi! Anh buồn vì hôm nay đã mất đi một đồng đội, một người bạn, người đồng hương thân thiết nhất của anh tại đơn vị. Em ạ! Anh Phúc đã hi sinh rồi! Người bạn đã cùng anh tới thăm mẹ em tại trạm xá quê em. Em ơi, trận đánh đêm hôm ấy thật là khốc liệt. Đơn vị anh đã vào cấp 1 báo động chiến đấu suốt từ lúc 7 giờ rưỡi tối. Khí tài mở máy liên tục. Ăngten xe thu phát hoạt động hết công suất để bắt được mục tiêu, vì vậy trận địa bị lộ. Bốn quả tên lửa đã được phóng lên và một máy bay trinh sát của địch đã bị bắn rơi. Nhiều tốp máy bay địch, tầng tầng lớp lớp, đã phát hiện ra trận địa tên lửa và thế là một trận oanh kích từ trên không bằng bom bắt đầu. Chúng ném xuống trận địa đủ các loại: Bom tấn, bom hơi, bom bi, bắn rốc két… Hai trận địa pháo bảo vệ tên lửa đã bị mất sức chiến đấu. Hai quả bom 500 bảng Anh rơi xuống trận địa tên lửa. Một quả rơi ngay bên xe chỉ huy, nơi anh đang làm việc, vì ném ở tầng thấp nên không nổ. Quả thứ hai nổ sát xe thứ phát, hất tung một lửa xe, văng ra xa hơn 30 mét. Toàn bộ bị mất điện, mất liên lạc vô tuyến và hữu tuyển, tên lửa không còn sức chiến đấu. Anh nhào ra khỏi xe chỉ huy, lao tới nửa phần còn lại của xe thu phát, nơi anh Phúc đang ở đó. Thật là khủng khiếp, anh Phúc bị trúng mảnh đạn bom, máu ra nhiều ướt đẫm cả vạt áo. Một chiếc tủ sắt (bộ phận của khí tài) đè ngang người, anh và một chiến sĩ nữa loay hoay mãi mới nâng được chiếc tủ lên. Anh bế Phúc trên tay cùng đồng đội thay nhau  thay nhau đưa Phúc vượt qua khỏi vòng vây oanh tạc của máy bay địch. Đi được chừng 500 mét, các anh đặt Phúc nằm xuống bãi cỏ. Phúc vẫn bất tỉnh, đôi môi khô thẫm đen vì khói bom. Sau khi cho uông hết một nút bi đông nước, Phúc từ từ mở mắt, nói không thành tiếng, hai tay nắm chắt tay anh: Hồng Quang ơi! Phúc không sống được nữa! Hãy đến thăm mẹ mình luôn nhé. Vĩnh biệt tất cả! Phúc muốn nói nữa nhưng miệng đã cứng. Một phút sau, Phúc tắc thở. Từ nay, anh đã mất đi một người đồng đội vui tính, hồn nhiên, hay hát, hay cười. Một người bạn rất tốt, bao giờ cũng quan tâm đến người khác: Nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn. Anh và Phúc cùng học tiếng Nga tại trường Đại học, cùng nhập ngũ một ngày, cùng sang Liên Xô huấn luyện trong trung đoàn tên lửa 278, cùng về nước và cùng được biên chế tại cùng tiểu đoàn chiến đấu. Sự mất mát là như thế đấy em ạ. Anh giữ nguyên chiếc ba lô của Phúc cùng cây đàn ghi ta đã theo Phúc trên khắp nẻo đường hành quân và chiến đấu. Hành trang của người lính thật là giản đơn: Chiếc ba lô chẳng có gì ngoài hai bộ quân phục, một chiếc chăn chiên Nam Định, cuốn sổ tay, trong đó có thẻ đoàn viên, một chiếc bát sắt và một đôi đũa tre được vót rất đẹp, đôi đũa do chính tay anh Phúc tạo ra từ một cây tre làng, nơi lần đầu tiên anh Phúc đóng quân khi về nước. Phần trên của đôi đũa được trạm trổ rất cầu kỳ: Tháp Rùa cổ kính giữa Hồ Gươm, biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn vật. Đó là kỷ niệm đồng thời cũng là tác phẩm vô giá của người lính.
Em ơi! Anh Phúc đã ngã xuống ở tuổi 23, chưa hề có một người bạn gái thân thiết. Anh là một người bạn ít nói và “dát” với phái nữ. Anh đã hy sinh giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp mà chưa có được cái cầm tay của cô gái nào!
Hôm ấy, anh quả thật là gặp may! Nếu như trái bom kia cũng nổ bên cạnh xe của anh thì anh cũng đã là người thiên cổ rồi! Những phút gay cấn nhất, sự nguy hiểm ở vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, trong anh chỉ kịp hiện lên hình bóng em và mẹ mà thôi. Có phải là mẹ và em đã phù hộ cho anh đó không? Những phút nguy kịch, anh không sợ chết, trái lại cũng thấy nó bình thường, vì sống chết là quy luật và chỉ có một lần. Anh đã sống những năm tháng có ý nghĩa, chỉ có điều đáng tiếc duy nhất là chưa có dịp gặp lại em mà thôi. Cả ngày hôm ấy, toàn tiểu đội phiên dịch không ăn uống gì.
Cứ nhìn mâm cơm mà cảm thấy như Phúc đang tới chậm. Lòng thương tiếc vô hạn người đồng đội, người đồng hương khiến mọi người không sao cầm đũa được, ai cũng nghẹn ngào xúc động trong yên lặng triền miên. Sự mất mát là như thế đấy em ạ. Giây phút cuối cùng khi nhắm mắt xuôi tay, trong ánh mắt chỉ phảng mất duy nhất hình bóng người mẹ hiền đang ngóng chờ đợi con trai trở về. Tất cả chỉ còn là những giấc mơ. Khát vọng cháy bỏng của tuổi trẻ về tình yêu lứa đôi của Phúc giờ đây đang được trao lại cho những người bạn, những người đồng đội trong đó có anh, đang chiến đấu vì tương lai của dân tộc, vì hạnh phúc của chính mình.
Em ơi! Anh đánh giá rất cao và cảm phục những bà mẹ, những người vợ, những cô gái đã có con, chồng và người yêu đang chiến đấu trên khắp chiến trường Nam – Bắc của Tổ quốc. Một mất mát hy sinh của người chiến sĩ ngoài tiền tuyến để lại nỗi đau ngàn lần cho những người thân của mình tại hậu phương. Tổ quốc ghi công trạng những liệt sĩ đã hy sinh và cũng đánh giá cao sự cống hiến và những mất mát khôn bù đắp được của những người thân ở hậu phương. Em chia buồn với anh đi! Hãy thắp lên những nén hương để tưởng niệm những người đã ngã xuống hôm nay, trong đó có đồng đội của anh em nhé!
Viết đến đây anh xúc động quá. Trong thư đang viết dở thấm nhòe lệ. Những dòng chữ khó khó đọc này cùng là phần kết thúc lá thư gửi em.
Chào tạm biệt em
Anh của em
Hồng Quang

Thanh Liêm – Nam Hà, ngày 3 tháng 3 năm 1967
Anh Hồng Quang!
Em đã nhận được thư anh viết ngày 10 tháng 10 năm 1967 tại Hà Trung – Thanh Hóa. Nỗi mừng vui không  sao tả hết được. Anh có biết không? Mừng mà không dám biểu lộ ra ngoài chút nào vì em không muốn cho mọi người được biết. Anh hiểu đấy, tính em hay thẹn và nhát nữa phải không anh!
Em cũng báo cho anh được biết là em đã vào tập trung học tại đoàn Ca múa Nam Hà đến nay được hơn 10 ngày. Cuộc sống tập thể cũng đã quen phần nào, song nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ và các em thì có lẽ chẳng bao giờ suy giảm được. Anh ơi! Trước đây em đã có trao đổi thư từ với các bạn, trong đó có cả bạn trai nữa (anh có ghen không?) Nhưng chưa bao giờ em nhận được một lá thư dài và chứa chan tình cảm đến thế. Hôm nhận được thư anh, suốt cả ngày, em thấy mình xao xuyến bâng khuâng. Buổi sáng lên lớp học lý thuyết mà em chẳng tiếp thu được chữ nào vào đầu, chỉ mong cho nhanh chóng kết thúc buổi học để được về đọc lại thư anh! Anh ơi, đọc đến cả chục lần, có những đoạn như đã thuộc lòng mà vẫn muốn đọc nữa. Anh ạ! Phải chăng, khi xa nhau rồi không thể chuyện trò trực tiếp cùng nhau thì một dòng chữ viết cho nhau cũng là quý giá anh nhỉ?
Càng đọc càng yêu thương anh nhiều hơn. Anh đã giành cho em những tình cảm mến thương sâu sắc nhất, tình yêu cháy bỏng của chàng trai Thủ đô mặc áo lính, đầy bản lĩnh như anh đã động viên em rất nhiều trong cuộc sống học tập đầy bỡ ngỡ hôm nay của em. Từ khi quen anh, biết anh và rồi yêu anh, sau đó lại phải xa anh, xa quê hương thân thuộc của mình, em đã lớn lên rất nhiều. Em không dám nói là đã “cứng rắn”, song phải thừa nhận là cái quan niệm về cuộc sống và tầm nhìn trong em đã rộng mở, không bó hẹp trong khuôn khổ làng quê nhỏ bé như trước nữa.
Anh ơi! Cả nước đang có chiến tranh. Trên miền Bắc, những bước leo thang bằng không quân của đế quốc Mỹ ngày càng nguy hiểm. Sự hy sinh của những người chiến sĩ phòng không như anh của em là cao cả. Nếu không có chiến tranh thì giờ này chắc là anh đang công tác tại một đoàn ngoại giao nào đó chứ không phải xa nhà, nay đây mai đó, sống và chiến đấu vất vả như hôm nay anh nhỉ! Trong lá thư trước gửi em, anh đã viết: “Nẻo đường chiến tranh đưa anh đi khắp đó đây, đến với quê hương em, gặp em, quen em và yêu em…” Câu nói đó của anh thật có nghĩa biết bao! Trước khi gặp anh, em không bao giờ nghĩ là mình sẽ có người yêu là chàng trai Hà Nội và lại là một người học cao như anh. Nhiều lúc em cứ nghĩ rằng mình đang trong mơ. Mơ hay là thực? Anh có yêu em thật không? Hay lại bỏ giữa chừng? Riêng phần em thì anh đừng suy nghĩ gì cả, em chỉ có mình anh duy nhất mà thôi. Từ lúc này và mãi mãi về sau em chỉ rung động không ai khác, ngoài anh ra làm em có thể xao xuyến được. Cung đàn tình yêu đã được anh khởi xướng thì cũng chỉ có một người duy nhất hưởng ứng là em đó anh ạ! Anh đừng buồn anh nhé! Em luôn ở bên anh, mặc dù xa nhau không nhìn thấy nhau thì ta hãy luôn nghĩ về nhau anh nhé!
Anh ơi! Lá thư này là thư thứ hai em gửi cho anh, không biết đến lá thư thứ bao nhiêu thì chúng mình mới được gặp lại nhau anh nhỉ? Ai mà biết trước được? Trước khi chưa gặp anh, em cũng đã biết phần nào về chiến tranh, bây giờ khi đã yêu người lính, một tình yêu trong xa cách (không phải là do muôn sông cách trở mà vì bom đạn chiến trường) em mới thấy hết được cái tàn khốc của nó đối với con người  về mặt tinh thần như thế nào? Anh cứ yên tâm, em chịu đựng được anh ạ!
Mùa đông, mùa của lạnh lẽo nhớ nhung. Gió mùa đông bắc tăng cường thổi về kèm theo mưa phùn rả rích, rét thấu tận tâm can, trong em lại dạt dào yêu thương người lính hơn lúc nào hết, vì giờ này anh đang sống và chiến đấu ở nơi rừng sâu nước độc. Càng thương yêu anh nhiều em càng vững niềm tin và nguyện mãi sẽ trung thành với tình yêu của anh:
Anh ơi! Em sẽ là ngọn lửa,
Cháy bùng lên trong bão táp mưa xa,
Đời chiến binh là muôn vàn gian khó,
Mãi mãi bên anh giữ trọn lời nguyền.
Anh của em vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Em lúc nào cũng cầu mong cho anh được vẹn toàn, tránh được mũi tên mảnh đạn. Mẹ và các em vẫn khỏe anh ạ. Những người ở hậu phương bao giờ cũng lo và quan tâm nhiều hơn đến những người ở tiền tuyến anh nhỉ! Anh cố gắng giữ gìn sức khỏe, nếu ốm thì khổ và em cũng sẽ dâ buồn vì không ở bên anh được.
Em dừng bút, hẹn gặp lại anh những lá thư sau.
Em của anh
Tuyết Mai
Từ buổi xa em hôm ấy đến nay đã một năm. Một năm mà sao thấy lâu thế. Phải chăng khi yêu, nếu được gần nhau, thời gian nhanh như vó câu qua cửa số và khi xa rồi, nó như ngừng trôi, dài đằng đẵng. Tiểu đoàn tên lửa 093 di chuyển đến trận địa – huyện Bình Lục (Hà Nam) đã được ba ngày. Từ đây đến trụ sở sơ tán đoàn văn công (huyện Thanh Liêm) khoảng chừng 20 cây số. Dịp may đã đến. Tôi đề xuất nguyện vọng với thủ trưởng đơn vị, xin phép tranh thủ nghỉ một ngày thăm em.
Cẩn thận hơn nữa, tôi chọn ngày xuất hành không phải là thứ bảy, chủ nhật mà là vào một ngày thường để tránh trường hợp có thể em về quê thă mẹ chăng?
Tôi không quên chuẩn bị món quà nho nhỏ: Chiếc bút máy Trường Sơn, lọ mực Cửu Long, một tập giấy pôluya Trung Quốc trắng tinh, một đôi dép nhựa màu tím hoa sim và một mảnh dù pháo sáng nữa.
Bằng chiếc xe đạp Thống Nhất nam mượn của chính trị viên đại đội, tôi đạp băng băng, chẳng thấy mệt chút nào. Theo đường tắt, xe vượt qua những đoạn đường đá ghồ ghề khúc khuỷu rồi cả những đoạn đường sỏi cơm màu đỏ quạch, nhắn thín. Vừa đi vừa hỏi thăm, tới 9 giờ tôi đã đến nơi, Người cuối cùng hỏi thăm là một cậu bé tuổi chừng 12, theo lời chỉ dẫn, tôi đã tới được nhà em ở nhờ. Đúng rồi đây: Nhà có hàng rào ôdô dày, xanh  mướt với chiếc cổng gỗ mộc ván ghép.
-         Xin hỏi bác, xin phép hỏi thăm bác, đây có phải là nhà ông Hồng Đăng không ạ?
-         Đúng rồi, anh bộ đội tìm ai nào?
-         Dạ thưa bác, cháu muốn gặp cô Tuyết Mai học lớp múa khóa 4 đoàn văn công tỉnh.
-         Có phải cô Mai ở Lý Nhân không?
-         Vâng đúng vậy ạ!
-         Cô Tuyết Mai và cô Hoài Thu cùng ở nhà tôi. Các cô lên lớp học lý thuyết, gần trưa mới về. Chú bộ đội cứ vào nhà nghỉ đã, coi như ở nhà, đừng ngại ngần gì cả.
Bác chủ nhà thật tốt bụng. Hôm nay mình gặp may, mọi dự định đều theo ý muốn. Tôi chờ mà không thấy sót ruột chút nào.
Mặt trời đã xế ngọn cây. Từ xa, tôi đã thấy em. Em đang cùng cô bạn đi dọc theo hàng rào. Tôi tiến lại gần.
-         Ôi! Anh Hồng Quang! Anh đến lâu chưa?
-         Giới thiệu với anh, đây là Hoài Thu, bạn em quê ở Bình Lục.
-         Em có nghe Mai kể về anh, hôm nay mới được gặp. Anh vẫn khỏe đấy chứ?
-         Rất hân hạnh được làm quen với Hoài Thu. Bộ đội thời chiến luôn luôn được hậu phương lớn quan tâm nên anh lúc nào cũng khỏe, không riêng gì anh. Các nghệ sĩ tương lại vẫn hồn nhiên và yêu đời đấy chứ? Anh đến đây đã gần 2 tiếng rồi.
-         Vâng, chúng em vẫn bình thường ạ. Các anh bộ đội vô tư và hồm nhiên hơn chúng em nhiều.
Chúng tôi vào nhà, Mai và Hoài Thu đi chợ huyện chuẩn bị bữa ăn tươi mừng cuộc gặp. Bữa cơm thật đầm ấm, có mặt đông đủ cả gia đình bác chủ nhà.
Tôi cùng em dạo chơi trong vườn quả. Dưới gốc vải cành lá xum xuê, chúng tôi ngồi bên nhau. Gió nhè nhẹ thối từ phía cánh đồng lúa xanh mơn mởn.
-         Đi đường vất vả lắm anh nhỉ! Anh có phải hỏi thăm nhiều không?
-         Đúng như vậy em ạ! Máy bay ném bom Cầu Khuất. Anh phải dừng lại, tìm nơi ẩn nấp mất gần tiếng đồng hồ và cũng phải ba, bốn lần hỏi thăm mới đến nơi được đấy.
-         Mấy ngày nay em cứ máy mắt luôn. Linh tính thế mà nghiệm cũng đúng anh nhỉ!
-         Từ lâu anh đã chờ dịp tốt này. Chuyến đi chuẩn bị thật công phu. Khó khăn nhất là phải bố trí người làm việc thay mình. Em hiểu đấy, thời chiến, nói chung đơn vị không giải quyết phép cho ai. Thủ trưởng ưu tiên anh lắm đấy em ạ máy bay Mỹ đánh phá suốt ngày đêm, bộ đội phòng không chẳng có lúc nào được nghỉ ngơi. 18 giờ chiều hôm nay anh lại phải có mặt tại đơn vị rồi. Mai em! Một năm qua mà trông em khác quá. Cao lên và chững chặc hơn. Chắc là cuộc sống tập thể, xa nhà, môi trường ấy đã tạo cho em điều kiện tốt để trưởng thành. Gặp em là anh mừng lắm rồi. Cứ ngỡ là còn lâu lắm mới có dịp hội ngộ chứ không phải là hôm nay em nhỉ?
Một năm mới lại được gặp nhau. Điều mong muốn của hai chúng tôi đã là thực. Mừng vui không tả xiết. Có biết bao điều muốn nói, nhưng khi đã gặp em, những dự tính chuẩn bị trước khi còn ở nhà giờ đây không đề cập đến nữa. Thay vào đấy là những giây phút yên lặng. Chính trong cái yên lặng đó,  tôi và em cảm nhận được những tình cảm thầm kín tận đáy lòng đã được viết lên trong những trang thư trước đó, giờ đây tình cảm yêu thương ấy được biểu lộ qua ánh mắt trìu mến, bằng giọng nói thân thương mà trong xa cách không thể có được. Vẫn em đây, dáng người thon thả, mái tóc thướt tha, nụ cười duyên dáng như buổi ban đầu lưu luyến ấy. Cô gái miền quê hồi nào mà bây giờ sắp trở thành một diễn viên chuyên nghiệp, một bước ngoặt trong đời em. Tôi thật tự hào về điều đó. Tự hào vì mình đã quen em, biết em và yêu em từ khi em còn là một cô gái chân đất, quần nâu, áo vải với thuộc tính hồn nhiên, chân chất của một con người lao động.
-         Anh Hồng Quang!
Tuần trước đoàn em có thành lập đội văn công xung kích biểu diễn tại Nho Quan, Ninh Bình cho các anh bộ đội pháo cao xạ.
Chúng em biểu diễn ngay trên mâm pháo. Có những tiết mục phải dừng lại vì báo động chiến đấu. Anh ơi! Lần đầu tiên em tham gia biểu diễn nên không khỏi lo lắng và hồi hộp. Nhưng rồi em tưởng tượng là chúng em đang biểu diễn cho đơn vị anh xem. Em thấy anh đang ngồi bên sân khấu. Thế là em vững tin. Tiết mục điệu múa “Cô gái Katu” của chúng em được hoan nghênh nhiệt liệt, các khán giả đã đề nghị biểu diễn lại. Thật là sung sướng và cảm động đến chảy nước mắt. Anh đã đem lại cho em sức mạnh và niềm tin vào thắng lợi.
-         Mai em! Thời buổi chiến tranh ác liệt, được gặp lại nhau, nhìn thấy nhau vẫn trọn vẹn là may mắn lắm rồi! Xa em, anh nhớ nhiều, nhiều vô kể. Anh hy vọng ngày chiến thắng chẳng còn xa nữa. Anh sẽ trở về với mẹ, với những người thân, về tận quê nhà đón em trong vòng tay trìu mến, cùng em ra Hà Nội gặp bố mẹ anh. Chúng mình sẽ thưa chuyện với hai gia đình, xin phép tổ chức lễ cưới và cùng nhau sống hạnh phúc đến trọn đời em nhé!
Vượt qua hơn bốn chục cây số, bằng xe đạp, trên trời là những trận oanh kích của máy bay địch, để nhìn thấy nhau, để được ngồi bên nhau trong vài tiếng đồng hồ rồi lại đi … điều đó đáng quý biết bao.
Lần thứ hai tạm biệt em. Khác với lần đầu dạo ấy, lần này nỗi buồn man mác không đến trong tôi, mà chia tay em, tôi thấy vui hơn nhiều rồi. Tại sao vậy? Có lẽ chính vì gặp lại em, tôi càng vững tin. Em hoàn toàn chung tình, đợi chờ và những điều em nói trong thư là chân thật.
Đúng là:
Bốn mắt nhìn nhau chẳng nói gì,
Rồi đây anh sẽ lại ra đi.
Nẻo đường chinh chiến còn xa tắp,
Tạm biệt thôi! Không phải biệt ly.
ĐOẠN KẾT
Đã hai năm trôi qua. Bấy giờ đã là tháng 3 năm 1969. Mai đã kết thúc khóa huấn luyện cơ bản bộ môn múa tại Đoàn ca múa tình Nam Hà. Em bắt đầu được bổ sung vào đội văn công xung kích phục vụ các đơn vị bộ đội.
Ba tháng sau (tháng 6 năm 1969) em lại được chuyển công tác sang Đoàn văn công Trường Sơn và từ đó theo đoàn phục vụ tại chiến trường phía Nam.
Còn tôi cùng đòan chuyên gia tên lửa Liên Xô thuộc trung đoàn 278 vẫn đi khắp đó đây, ngược xuôi theo con đường đầy máu lửa và nước mắt. Trung đoàn tên lửa 278 cùng với 3 trung đoàn pháo 57, 88 và 100 ly hợp lại thành sư đoàn phòng không 367 đó là sư đoàn cơ động chiến lược của Bộ  tư lệnh phòng không không quân các tỉnh: Hòa Bình, Hà Tây, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An.
Tôi viết rất nhiều thư cho em và coi đó là một thói quen không thể thiếu được trong những lúc rảnh rỗi. Có những lá thư không gửi, có những lần gửi ba, bốn lá thư cùng một lúc trong một chiếc phong bì dày cộp. Thư đi là như thế, nhưng thứ về thì cứ thưa dần, ít đi và tắt hẳn. Đây là một trong những dòng tâm sự đồng thời cũng là lá thư không gửi em:
Em! Đêm nay anh buồn da diết, nỗi buồn cứ dai dẳng mãi kéo dài từ buổi mà phải xa em đến nay. Ngoài trời mưa lấm tấm, gió đông lạnh lẽo đã thôi từ lâu, anh chẳng sợ gió rét ngoài trời mà chỉ sợ mưa gió trong lòng. Anh không lạnh bởi gió  mà lạnh lẽo tận đáy lòng bởi vắng em. Anh muốn có em ở bên cạnh để sưởi ấm trong những đêm đông lạnh lẽo như thế này…
Ôi! Người yêu tôi hiện nay đang ở khoảng trời nào, còn tôi thì đang chẳng có nơi nào nhất định.
Em ơi! Anh và đồng đội sống trong rừng sâu và đến nay, con suối thư hai đã cạn. Người lính những lúc này chỉ thấy sầu tủi mà thôi. Hôm nay, anh đã đi chơi rừng đấy em ạ! Có một mình anh thôi. Anh thơ thẩn đi theo con đường mòn đi mãi, xung quanh anh chỉ là những cây cổ thụ cao vút, những bụi rậm và những con chim đang nhảy nhót trên cành, anh cứ đi hoài như đang đi tìm em. Đêm qua anh không ngủ bởi  lẽ đã lâu không nhận được thư em. Không biết đêm nay là đêm thứ mấy. Chẳng lẽ buồn đau và tuyệt vọng hay sao? Anh không thể hiểu nổi chính mình lúc này nữa. Phải chăng vì xa em mà tình anh cũng rời xa!
Trăm ngàn lần không em ạ! Anh của em trước sau vẫn như một, vẫn dạt dào, mênh mông, bởi yêu em tha thiết, bởi tình ta muôn sông cách trở nhưng không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được.
Mai em! Sao em im lặng thể? Sự im lặng của em làm anh đau khổ vô ngần. em đã quên anh rồi ư? Đừng quên em nhé, anh đã dắt em vào đời yêu đương, anh có trách nhiệm phải giữ gìn và bảo tồn mãi mãi. Anh không hề có ý nghĩ  rằng em đã quên anh. Phải chăng thư không tới tay em được nên em tưởng anh đã quên rồi.
Một trăm lần, ngàn lần không bao giờ như thế em ạ!
Yên Thành – Nghệ An
Tháng 12 năm 1968
Tôi đã gửi em năm lá thư nữa nhưng cho đến giờ vẫn chưa có trả lời. Tất cả vẫn là yên lặng. Em đã bị ngã lòng bởi một sức mạnh thần bí nào chăng? Không! Tôi không tin là có thể như thế được. Hay là thư không đến tay e? Điều đó không thể xảy ra, vì những lá thư trước vẫn bình thường không hề trắc trở. Tôi cứ đặt câu hỏi rồi lại tự trả lời, song vẫn không sao cắt nghĩa được.
Hôm nay, tôi quyết định về tận quê em. Tôi đi nhờ xe chuyên gia về Hà Nội công tác, tới Phủ Lý rẻ xuống và đến quê hương em để cho rõ ngọn ngành. Từ Như Xuân – Thanh Hóa xe khởi hành lúc 17 giờ, đường tắc nhiều đoạn vì bị đánh phá, xe phải đi rất chậm. Vượt qua biết bao cầu phao, bao bến phà, mãi tới 03h sáng mới tới được thị xã Phủ Lý. Tôi xuống xe cuốc bộ về quê em (thông Vĩnh Trụ, xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân). Từ thị xã Phủ Lý về Vĩnh Trụ, quãng đường chừng 17 cây số, nhưng sao thấy dài lê thê. Tôi mải miết đi trong đêm tối. Trời đổ mưa phùn đã mấy ngày nay, đường đọng bùn và nhớp nháp nên đi bộ quả thật vất vả. Vào giờ này chẳng còn phương tiện nào khác nữa. Đi được chừng hơn nửa quãng đường, tôi đã thấm mệt vì đường khó đi và vì đêm trước phải thức trắng. Tôi định nghỉ lại đến sáng. Một sức mạnh vô biên thôi thúc, tôi lại rảo bước theo con đường đã định. Trời đã sáng dần lên. Và kia rồi, bến thuyền tấp nập trước đây, vào giờ này đang còn vắng lặng vì một ngày làm việc chưa bắt đầu. Chỉ thấy những đợt sóng lô xô của dòng sông vỗ nhẹ vào bến bờ xa tít, hòa cùng tiếng gió lao xao của buổi sớm mùa đông vang đi xa mãi. Dòng sông quê em đã rõ nét, nó vẫn thân thương và quyến luyến như những ước vọng được về gặp lại em. Tôi hồi hộp vô cùng. Bỗng dưng một linh cảm không hay xâm chiếm lòng tôi. Một luồng gió mạnh từ đâu bất ngờ tạt đến, làm rơi cả chiếc mũ mềm đang đội. Xóm thôn đã thức giấc. Con đường dẫn vào nhà em kia rồi. Hàng rào dâm bụt quen đã hiện ra. Tôi gọi cửa. Người đầu tiên tôi gặp chính là Tuyết Thanh:
-         Ôi! Anh Hồng Quang! Em không ngờ lại là anh, mời anh vào nhà.
-         Em có khỏe không?
-         Dạ! Em vẫn bình thường.
Tôi theo Thanh vào nhà, đặt chiếc ba lô con cóc cào một góc tường. Tôi ngước nhìn lên bàn thờ đang còn hương khói, không tin ở mắt mình nữa: Trên bàn thờ có ba bức ảnh: Bố, mẹ em và ảnh ai nữa nhỉ? Đúng là tấm hình em tôi rồi!
Tuyết thanh không cầm được nước mắt, nhỏ nhẹ nói không thành tiếng:
-         Anh về muộn quá. Mẹ em đã mất được tám tháng nay, còn chị Mai có giấy báo tử một tháng trước đó. Chị hy sinh trong đợt đi biểu diễn tại chiến trường phía Nam và được công nhận là liệt sĩ.
Đối diện với bàn thờ là bằng Tổ quốc ghi công có ghi tên em được lồng trong khung kính. Tôi sững người, bàng hoàng không ngỡ đó là thực sự. Nhưng tất cả vẫn là thế. Tôi trấn tĩnh cho thần kinh khỏi quỵ, nhưng không sao làm chủ được mình. Tôi ngồi vật xuống chiếc giường tre ở góc nhà, đầu óc quanh cuồng, đau nhức như kim châm. Im lặng một lúc trong suy cảm với đôi mắt đỏ hoe, cay xè vì nhòe lệ. Tôi không khóc thành tiếng được, nhưng hai hàng lệ cứ tuôn rơi lã chã. Tất cả thế là hết và với tôi tất cả đã là vô nghĩa. Mất mát trong tôi là quá sức tưởng tượng. Tôi không thể ngờ được rằng người tiếp xúc với mũi tên hòn đạn từng ngày, từng giờ là tôi đây lại không bị ngã, mà người không trở về nữa chính là người tôi yêu. Tôi bỏ mũ đứng yên lặng trước bàn thờ nhà em. Thắp ba tuần hương để tưởng nhớ đến những người đã khuất: Bố, mẹ và em. Tôi không biết khấn vái bằng lời song trong dòng suy nghĩ sâu thắm của những đau khổ, mất mát thì dường như trong tâm trí đang rì rầm lời cầu nguyện cho những người thân của mình vĩnh viễn không bao giờ trở về với cõi đời. Tôi thẫn thờ như kẻ mất hồn. Thẫn thờ vì đã mất đi tất cả những hy vọng, những đợi chờ và ước mơ. Chẳng lẽ cứ để mãi nỗi đau thương này sưng tấy lên nữa ư? Phải chăng tôi đã quá mềm yếu hay sao? Không! Không thể thế được. Nỗi đau này tôi sẽ chôn chặt trong lòng. Kẻ thù đã cướp mất của tôi cái quý giá nhất của đời sống, đó là tuổi trẻ và tình yêu. Tôi chợt nhớ đến bốn câu kết trong bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao:
“Anh đi bộ đội sao trên mũ,
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường,
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi,
Bốn mùa thơm mãi xánh hoa thơm.”
Người yêu tôi không còn nữa. Tôi sẽ sống bằng những kỷ niệm thiêng liêng và bất diệt. Một kỷ niệm đã ghi nhận những điều đẹp đẽ nhất trong đời tôi. Tôi sẽ biến đau thương này vào lòng căm thù sâu sắc với kẻ thù không đội trời chung của dân tộc. Cái đau thương của tôi hòa thêm vào cái mất mát chung của biết bao người khác nữa. Tôi tự nhủ:
Hãy sống và chiến đáu hăng say hơn nữa để bù đắp lại những mất mát hy sinh không gì có thể lấy lại được và để chiến thắng kẻ thù mai sau.
Viết xong tháng 2 – 1995
RANH GIỚI
Trong đời tư mỗi người, có biết bao sự kiện xảy ra, Những cuộc gặp gỡ vô tình, dù chỉ có một lần, song đã để lại trong ta những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là những câu chuyện đến với mình một cách rất tự nhiên, chưa đựng biết bao điều tốt đẹp. Đó là những việc thiện đầy tính nhân đạo, lòng cao thượng, đầy tình người rất đáng khích lệ và biểu dương. Những câu chuyện hiếm có ấy ta có thể kể lại cho mọi người cùng  nghe với cả niềm say sưa, phấn khởi và tự hào, song lại không dám thổ lộ cùng vợ con, dù chỉ là một khía cạnh nhỏ nhất của sự việc.
Câu chuyện này xảy ra trong một chuyến đi công tác tại Hà Nội vào dịp cuối năm Quý Mùi 2003.
Tôi 40 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo yêu cầu của tổ chức, tháng 5 – 1977 bố mẹ tôi chuyển công tác vào Đà Nẵng. Tuổi ấu thơ và thời niên thiếu của tôi ở Thủ đô, còn trưởng thành và lập nghiệp lại ở Đà Nẵng. Là cán bộ công tác tại ngành Bưu Điện, tôi yêu nghề nghiệp của mình và tự hào với Đà Nẵng, thành phố có dòng sông Hàn mỹ lệ, với hàng dừa rợp mát, trĩu quả êm đềm chảy về hướng đông. Tự hào về một quần thể du lịch Non Nước – Ngũ Hành Sơn, nơi mà du khách trong và ngoài nước khi chiêm ngưỡng, nghỉ ngơi đều hết lòng ca ngợi.
Công ty giao nhiệm vụ cho tôi ra Hà Nội làm việc với các phòng chức năng thuộc Tổng cục Bưu điện.
Đã ba năm rồi mới lại cói dịp ra Thủ đô, bởi vậy trên đường đi tôi không khỏi bồi hồi và sung sướng. Đến Hà Nội, tôi nghỉ tại nhà khách 60 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng. Từ đây đến Tổng cục Bưu điện không xa, đi bộ mất chừng hơn 20 phút.
Chiều nay, mãi tới 17 giờ mới làm việc xong, từ Tổng cục tôi đi bộ theo đường Nguyễn Du. Theo kế hoạch đã định khi còn ở Đà Nẵng, tôi đến ga Hà Nội để đón một người bạn đi tàu Thống Nhất. Theo hành trình, tôi đến ga Hà Nội vào lúc 19 giờ 45 phút. Vì thế, tôi không về nhà nghỉ như mọi ngày. Từ khi tới Thủ đô, hôm nay tôi mới có dịp dạo ngắm cảnh phố phường. Cùng với những đổi thay hằng ngày, hàng giờ của cả nước, Hà Nội vẫn mang một dáng dấp riêng và đổi mới không ngừng, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Trên những đường phố trung tâm, xe ô tô su lịch các loại, xe máy đủ các cỡ của các hãng sản xuất nối đuôi nhau, chiếc nọ bám chiếc kia, cùng tiếng động cơ rền vang không ngớt, phản ánh phần nào cuộc sống sôi động của thành phố trên con đường đổi mới. Các thiếu nữ Hà Nội trong những bộ quần áo mùa đông hợp thời trang, cùng với những ánh mắt dịu dàng, những nụ cười duyên dáng thật là hấp dẫn.
Trong một buối tối thứ bảy như thế này, khi thành phố đã lên đèn, tôi như bị cuốn hút vào cảnh quan huyền ảo tuyệt vời ấy với một tâm trạng cực kỳ hưng phấn.
Lững thững bước đi trên những đường phố chính, bây giờ tôi đã dừng lại trên bờ hồ Thiền Quang. Chọn chiếc ghế đá không người, tôi ngồi nghỉ. Cảnh hồ thật là đẹp. Dọc quanh hồ là những khuôn viên rất nhiều các loại hoa. Hồ được cạp bằng  các loại đá trang trí xen lẫn những nhành cỏ tạo thành các ô lục giác đều đặn. Những bộ đèn chùm chiếc sáng lờ mờ được phản chiếu trên làn nước lung linh. Còn gì sảng khoái hơn trong lúc đợi chờ đón người đồng hương ra Hà Nội lại được thở hít không khí trong lành thơm mùi hoa sữa, được chiêm ngưỡng cảnh mặt hồ gợn sóng lăn tăn, lấp lánh những hàng cây rủ bóng. Tôi đang say sưa tận hưởng những phút giây tuyệt vời, bỗng từ đằng xa, một thanh niên dáng người cao mặc áo Na-tô, tiến gần về phía tôi:
-         Chào đại ca! Cho em châm nhờ đại ca điếu thuốc. Tôi rút hộp diêm đưa cho anh:
-         Xin mời anh!
-         Cảm ơn đại ca. Đại ca có một mình thôi à! Sao buồn vậy. Thứ bảy, giải sầu chứ, đại ca. Tôi bán cho đại ca một cô gái. Đại ca có mua không? Trông sạch nước cảm và cũng đáng yêu lắm!
Tôi không tin tai mình nữa. Sao lại có chuyện lạ đời đến thế nhỉ? Điều đó gợi trong tôi tính tò mò, tôi muốn kiểm tra lại lời nói vừa rồi của anh:
-         Anh nói đùa hay thật đấy?
-         Chuyện hoàn toàn nghiêm chỉnh! Đùa bỡn gì! Theo tôi sẽ rõ.
Chẳng xa gì, dưới lòng đường bên kia, đối diện với chỗ tôi ngồi là chiếc xe máy Sim sơn màu xanh, đỏ. Một cô gái đang ngồi trên vỉa hè. Dưới ánh đèn cao áp, tôi có dịp quan sát: Cô chừng 23, 24 tuổi, dáng người mảnh mai, mái tóc dài như dải mây. Với chiếc áo khoác ngoài mỏng manh, đã cũ, đôi dép nhựa trắng Tiền phong thoáng nhìn em cùng dáng ăn vận với hành trang chỉ có một chiếc túi du lịch cỡ nhỏ, ta có thể biết được cô gái không phải là người thành phố và từ xa đến. Qua ánh mắt em, trong tôi có một linh cảm: Cô gái đang gặp nạn, cần có một sự giúp đỡ. Tôi nhập vai người đang cần mua vui:
-         Anh định giá bao nhiêu?
Cô gái quay mặt đi như không muốn nghe chuyện của chúng tôi.
-         Ba cân! Được chứ! Hữu nghị đấy! Em đang cần tiền mua xăng để quay về, bí quá!
-         Nói thật với anh, tiền tôi không nhiều, chỉ có vài chục ngàn.
-         Thôi, thế này đại ca nhé! Đại ca cho em xin tiền công chở cô gái từ Gia Lâm đến đây. Em giao lại cô gái này cho đại ca. Đại ca muốn làm gì thì làm! Tùy đấy.
Đúng như dự đoán của tôi, cô gái này có điều gì uẩn khúc mà chưa nói ra được lời kêu cứu.
-         Nếu có thể được, anh cầm tạm ba chục ngàn gọi là tiền xăng nhớt. Bây giờ tôi nói thật với anh nhé, tôi ngồi ghế đá để ngắm cảnh, không có ý định mua vui. Cô gái này trông cũng tội nghiệp, các anh cũng là những người lao động, ta hãy cư xử đúng mực với cô gái.
Đến giờ phút này, chàng xe ôm đã hiểu điều tôi nói là thực. Anh cầm tiền và nổ máy, còn dặn với:
-         Này đại ca! Suốt từ trưa đến giờ, cô gái chưa cơm nước gì đâu. Thôi, tạm biệt Hường nhé!
-         Chiếc Sim sơn đã đi về phía Hồ Gươm. Tôi xem đồng hồ: Đã 18 giờ 30. Bây giờ ra ga là vừa đẹp. Tôi bắt đầu làm quen với em:
-         Họ đã đi rồi! Chỉ còn lại tôi và em. Trước hết anh muốn nói với em là em đã gặp may đấy. Tất cả với em từ lúc này trở đi sẽ là tốt đẹp. Em cứ yên tâm là như thế, không phải suy nghĩ gì cả. Bây giờ anh phải ra ga đón người bạn đi tàu Thống Nhất kẻo muộn. Em cùng đi với anh nhé. Chúng mình vừa đi vừa nói chuyện được chứ?
Từ lúc nãy đến giờ, em đã chứng kiến, đã hiểu, em đã tin tôi. Với một giọng nói đầy cảm động, gần như khóc, em đặt niềm tin vào tôi:
-         Anh ơi! Biết đi về đâu  giữa thành phố xa lạ này? Em chẳng quen biết ai, em không có gì ngoài thân xác mình… Anh cho em theo anh với.
Giữa chốn đô thành hoa lệ, vào một buổi tối thứ bảy, tối hẹn hò của các đôi nam, nữ thanh niên, có một người con gái đẹp, đang sa cơ thất thế, không chốn nương thân, chẳng biết đi về đâu? Lời nói trên đây của em chẳng khác gì một lời thỉnh cầu kêu cứu làm chạnh lòng tôi. Một tình thương trong tôi đang dâng lên. Tôi quyết định giúp đỡ em thoát khỏi bế tắc. Cố gắng làm cho em vững tin hơn, tôi giới thiệu:
-         Anh là Lê Huy. Gia đình anh ở Đà Nẵng, vợ anh chặc tuổi em, anh có cậu con trai sáu tuổi. Anh đến Hà Nội công tác được ba ngày.
Ở đây anh làm việc tại Tổng cục Bưu điện thành phố Nguyễn Du, cách chỗ anh và em gặp nhau chừng 300 mét. Anh đang ngắm cảnh hồ thì gặp người xe ôm chở em đấy. Bây giờ anh nghe Hường kể về mình nhé. Hãy nói tất cả sự thật. Điều đó chỉ có lợi cho em. Anh nhắc lại, em đang có quý nhân phù trợ.
Em đã vui hơn. Một nụ cười đã xuất hiện trên làn môi. Cùng với nụ cười ấy, tôi còn thấy được cả đôi má lúm đồng tiền rất tự nhiên. Có lẽ đã lâu rồi, em mới lại có được nụ cười như thế.
-         Anh Lê Huy! Không phải em tên là Hường. Với anh em không giấu điều gì. Em là Trần Thị Huyền Mi. Gia đình em ở Thiệu Yên, Thanh Hóa. Chuyện em dài lắm anh ạ.
Nói đến đây, em rơm rớm nước mắt. Tôi chưa muốn nghe câu chuyện buồn về em ngay lúc này vì đã sắp tới ga, tôi dặn dò em:
-         Huyền Mi! Lát nữa vào sân ga, nếu gặp bạn anh, anh giới thiệu em với bạn anh rằng, em là em họ anh nhé. Nói dối là không tốt, nhưng có những trường hợp ta phải tạm chấp nhận vì điều đó không có hại gì. Sau này, anh sẽ nói thật cho bạn anh hiểu. Bạn anh cũng là một người nhân hậu.
-         Vâng, em sẽ nghe lời anh!
Chúng tôi mua vé vào cửa đón khách trong sân ga. Tàu hôm nay đến đúng giờ. Người khách đầu tiên bước xuống sân ga là lúc 19 giờ 50. Đứng mãi bên của ra đến tận 20 giờ 20 mà vẫn không thấy bóng dáng anh bạn tôi đâu. Khách đi tàu đã xuống hết, chỉ còn những người công nhân đang khuân vác hàng hóa, giải phóng  toa xe.
Thế là đã rõ. Bạn tôi không đi chuyến tàu này. Mọi công việc và dự định trong ngày coi như xong. Đến lúc này, tôi mới sực nhớ là tôi và em chưa ăn cơm. Chúng toi đi theo đường cũ, dừng lại quán cơm bình dân trên hè Nguyễn Thượng Hiền. Cơm nước xong xuôi, chúng tôi đi xe ôm về nhà nghỉ. Đến ngã ba Trần Suân Soạn – Lò Đúc, chúng tôi xuống xe, đi bộ chừng một trăm mét nữa. Em bảo tôi:
-         Anh Lê Huy! Em không có một chút giấy tờ tùy thân nào cả. Như vậy bất tiện cho anh lắm. Hay là em quay lại nhà chờ ở ga, ngày mai, sáng chủ nhật, anh gặp em được không? Anh ơi! Đừng bỏ em nhé.
Tôi hiểu rất nhanh. Em không muốn tôi phải liên lụy đến em vì em đang có mặc cảm về mình. Chính lời nói đó đã làm cho tôi hiểu thêm được rằng, em đang có những cử chỉ và lời nói chân thật. Tôi càng thương em hơn và tỏ thái độ không đồng ý:
-         Không thể như thế được! Huyền Mi em! Anh đã giúp em thì sẽ giúp đến nơi đến chốn. Không thể nữa chừng được. Anh tin em, anh sẽ làm tất cả, anh là người có bản lĩnh. Hơn nữa, anh không làm điều gì xấu, anh chẳng ngại gì. Anh có quyền bảo lãnh cho em. Em yên tâm. Với tư cách là một cán bộ đã xuất trình đủ giấy tờ từ hôm đầu đến nhà nghỉ, anh sẽ thuê một phòng riêng cho em. Em đừng ngần ngại gì. Em có quyền như thế lắm chứ. Hãy vứt bỏ mặc cảm, cứ đàng hoàng em ạ!
Em nghe lời tôi. Chúng tôi lên lầu hai. Phòng em ngay cạnh phòng tôi. Đặt chiếc chìa khóa phòng mới thuê vào tay em, tôi nhìn em trìu mến như đã quen từ lâu.
-         Em về phòng mình tắm rửa. Toa lét ở đây có bình nóng lạnh đấy. Khoảng 22 giờ 10 anh sang em, ta sẽ nói chuyện với nhau. Em nhớ bây giừo là là 21 giờ 50.
Đúng giờ hẹn, tôi gõ cửa phòng em. Em đang pha trã sẵn chờ tôi. Trên đệm ghế xa lông mềm, tôi ngồi đối diện với em. Bây giờ tôi mới có thời gian và trong tâm trạng sáng khoái để ngắm nhìn em. Trong bộ đồ bình dân, em vẫn là cô gái có nhan sắc: Nước da trắng mịn tự nhiên, không tô vẽ, cặp mắt bồ câu dịu hiền hài hòa với đôi lông mày lá liễu. Đôi bàn tay với những ngón tay búp măng thon thả, mềm mại như bàn tay của nghệ sĩ dương cầm.
Dựa vào đệm xa lông, rít một hơi thuốc dài, thả làn khói lên trần nhà, trong tinh thần hưng phấn, tôi bắt đầu câu chuyện:
-         Huyền Mi này! Bây giờ trông em đẹp hẳn lên nhiều so với lúc gặp em bên hồ. Ở đây em hoàn toàn yên tâm. Hãy tin ở anh. Ngay từ phút đầu gặp em, cho đến bây giờ và mãi mãi sau này nữa anh chỉ mang đến cho em những điều tốt lành mà thôi. Anh muốn nghe em kể về đời tư của mình.
Trà đã ngấm, em rót ra hai tách, hai tay nâng hơn để biểu lộ hết những điều suy nghĩ về anh.
Từ lúc gặp anh đến bây giờ em nghĩ là mình đang trong mơ. Anh là vị cứu tinh của đời em, em không thể ngờ được rằng, trên đời lại có người cư xử với em tốt đến như thế. Chắc anh cũng hiểu một phần nào rồi đấy. Anh xe ôm lúc trước gặp em từ trưa hôm nay, anh ta chở em đến hồ Thiền Quang mong tìm được khách hàng làng chơi để bán em vì em không có tiền trả cho anh ta. Trước mặt anh ta em như là một “cô gái bán hoa”! Anh có khinh em không? Em không ngờ mình lại rơi vào tình huống trớ trêu ấy. Em kể sơ qua cho anh nghe nhé:
Em sinh năm 1982. Hồi học lớp 12 tại trường phổ thông trung học của huyện, em có quen và yêu một anh bộ đội ở huyện Triệu Sơn cùng tỉnh. Đơn vị anh đóng quân tại phố huyện gần nhà em. Chúng em quen nhau trong dịp nhà trường tổ chức kết nghĩa lớp em với một địa đội của đơn vị. Anh ấy tên Đỗ Hoàng Sơn, hơn em năm tuổi. Chúng em yêu nhau thắm thiết và định đến mùa thu 2000 sẽ thưa chuyện với bố mẹ. Nhưng chuyện đời đâu có suôn sẻ như theo ý muốn của mình. Năm ấy bố em theo một người bạn đi buôn gỗ từ Yên Bái theo các triền sông xuôi về huyện nhà. Hai chuyến đi làm ăn được, nhưng đến lần thứ ba thì gặp bão, bè vỡ tiền của mất sạch cả tiền vốn lẫn tiền vay lãi. Hoàn cảnh lúc này thật là túng bần. Năm 1999, gia đình em buộc phải gán em cho con trai một gia đình giàu có là chủ nợ của gia đình. Bố mẹ anh ấy ở huyện Hậu Lộc cùng tỉnh. Trước tình cảnh khó khăn như vậy, để đổi lấy một số tiền trả nợ vì làm ăn thua lỗ, em đành nhằm mắt đưa chân cứu nguy cho gia đình khỏi sụp đổ về kinh tế. Chồng em tên là Hoàng Lâm, hơn em  bảy tuổi. Anh ta chỉ học đến lớp 9, nhưng lại thích ăn chơi, hưởng lạc, tính cách ngang bửa, nên con gái làng rất hãi. Cưới được em quả là ngoài sự ước muốn của anh ta. Còn em hoàn toàn không có tình yêu mà chỉ sống để làm trọn nghĩa vụ của người vợ trong gia đình. Điều mong muốn nhỏ nhoi như vậy cũng không đến với em được. Bố mẹ chồng tưởng là lấy vợ cho con mình là xong, tưởng là con trai mình sẽ tu chí làm ăn, nhưng sự việc hoàn toàn không phải như vậy. Sau khi đã cưới xin, chồng em lại càng lấn sâu vào con đường cờ bạc, đánh đề, nghiện hút. Một năm sau, em sinh cháu đầu lòng. Bố mẹ chồng đã cấp cho anh ấy năm cây vàng để làm vốn, anh theo bạn bè đi buôn hàng chuyến đường Sài Gòn – Châu Đốc. Chỉ một năm sau, năm cây vàng đã tiêu tan, anh ấy ra    Bắc. Lúc này bố mẹ chồng lại phải nuôi con trai, con dâu và cháu. Những lần đi chơi, rượu chè say khướt, về nhà lại đánh chửi vợ con như cơm bữa. Cuộc sống khổ ải như thế diễn ra đến khi con em được một tuổi. Năm 2001, chồng em bỏ mặc vợ con, theo bạn bè đi đào vàng tận Qùy Châu, Nghệ An. Tại đây anh ấy càng sa đọa, khi trở về nhà thì đã là thân tàn ma dại, bệnh hoạn. Mỗi khi thèm thuốc cứ bắt em phải về nhà bố mẹ đẻ để lấy tiền cho anh ta hút hít. Trước tình cảnh đó, bất đắc dĩ em phải bế con về nhà mẹ đẻ.
Kinh tế ngày càng khó khăn, không còn cách nào khác, em lại phải vay tiền bạn bè cùng chị em đi Lạng Sơn buôn hàng biên giới. Thật không ngờ đây là thời kỳ đau đớn nhất trong đời em, một thảm cảnh mà giờ đây nghĩ lại em vẫn thấy rùng mình. Em đã bị người bạn lừa hết tiền và dẫn sang Trung Quốc, cuối cùng phải sống với người Tàu tại một huyện miền núi tỉnh Quảng Tây. Ông này đã 50 tuổi, chưa có vợ. Em buộc phải sống qua ngày đoạn tháng, tương kế, tựu kế, bên ngoài giả vờ là đã yên tâm sống tại đấy, nhưng trong lòng em vẫn chờ dịp và thời cơ để trở về quê quán. Sáu tháng sau, khi đã tích lũy được một chút ít tiền, em bỏ trốn về Việt Nam. Tháng 1 năm 2004, em đã tới được thị xã Lạng Sơn. Thật là khủng khiếp, lúc này một xu không dính túi. Em buộc phải vừa đi vừa xin ăn, vẫy xe xin đi nhờ về phía dưới xuôi này. Mấy năm trời rút cuộc tay không vẫn hoàn tay không. Hôm nay về đến Hà Nội, lúc buổi trưa, tại bến xe Gia Lâm, em lân la làm quen anh xe ôm đó, anh ta hứa xe trở em tới Hà Nội để tiện đường về quê. Nhưng khi sáng đến Hà Nội biết em không có đồng nào trong túi, trong khi xe anh ta hết xăng, mà anh ta cũng không có tiền để mua, anh ta liền nghĩ ra một kế xin khéo tiền của anh lúc ở hồ Thiền Quang đấy.
Anh ơi! Nếu không gặp anh thì em không biết rằng đêm nay ăn đâu ngủ đâu giữa nơi đất khách quê người này. Tôi lắng nghe từng lời em kể. Điều phán đoàn ban đầu của tôi là đúng, từ ánh mắt đầu tiên ấy, tôi đã cảm thấy rằng em đang cần một sự giúp đỡ mà không nói ra được.
-         Huyền Mi em! Thế là đã rõ tất cả. Nhìn em anh lại nhớ đến người vợ yêu quý của mình ở Đà Nẵng. Anh tự đặt câu hỏi: tại sao hai con người tuổi trạc gần nhau, có nhan sắc, mà hoàn cảnh lại trái ngược nhau đến thế. Hoàng Lan, vợ hiền của anh đang đắm chìm trong hạnh phúc cùng cậu con trai kháu khỉnh giờ này hẳn vui đùa cùng với những chuỗi cười dài, sung sướng. Còn em, nhẽ ra phải được hưởng hạnh phúc như những người khác có quyền được hưởng thì lại phải chịu bao cảnh đọa đầy, bao nỗi gian truân. Thật là oan trái! Anh sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp em phần nào đỡ cảnh bi đát hiện nay, để em được về gặp lại con và những người thân yên của mình.
Em khóc thành tiếng, trong căn phòng vắng lặng chỉ có tôi và em, chỉ thấy thổn thức của con tim đang rung động. Nước mắt em giàn giụa. tôi hiểu đó cũng là nước mắt của những nỗi niềm khổ đau đã qua. Em khóc vì đã nói được những mất mát của tình cảm mà em đã không tìm lại được.
Tôi cầm tay em, bàn tay kia gạt nước mắt Huyền Mi.
-         Anh Lê Huy, số em khổ, giá như …
Nói rồi em níu cánh tay tôi. Tôi hồi hộp vô cùng.
-         Anh ơi, Anh…anh.
Thấy người em lả đi, tôi ái ngại quá, đỡ em ngồi ngay ngắn rồi khẽ bảo ý xa xôi.
-         Em ơi! Mây đã tan, trời lại sáng. Em hãy vững tin ở chính mình. Thấy thái độ tôi điềm nhiên như vậy, tâm trạng em trở lại lúc ban đầu lắng nghe tôi giãi bày tâm sự. Đồng hồ trên tường đã chỉ 00 giờ 45. Tôi ngắt câu chuyện:
-         Em Huyền Mi! Hôm nay với em có biết bao là chuyện! Có những lúc thần kinh căng thẳng ví như là giây phút đầu tiên chúng ta gặp nhau cùng anh chàng xe ôm ấy. Hơn nữa đường dài xa xôi, em đã thấm mệt. Em đi nghỉ nhé. Mai chúng mình còn nói chuyện tiếp. Anh muốn tâm sự nhiều hơn nhưng hôm nay thế là đủ.
Nói rồi tôi đứng dậy đi về phía cửa. Nhanh hơn tôi, em đã đững chặn tôi ở đó, hai tay em đặt lên hai vai tôi, người em áp sát:
-         Anh Lê Huy! Anh đừng về phòng mình nữa. Hãy ở lại đây với em. Đêm nay mình em ở đây cô đơn lắm, em sợ lắm! Anh…
-         Không Huyền Mi ạ! Từ phút đầu tiên gặp em, anh đã coi em như là những cô gái anh đã quen dù anh biết rằng trước đó, thân phận em đã bị sóng gió vùi giập. Hãy nghe anh nói đây: Từ nay về sau, dù cho không gặp anh nữa, em không bao giờ cho phép mình trở thành kẻ yếu đuối. Em hữa với anh đi. Em biết rồi đấy, em đã phải trả giá quá đắt vì đã nhẹ dạ cả tin người. Hậu quả xấu sẽ không thể lường được, nếu mình cứ tiếp tục như vậy.
Nghe tôi nói, em lặng người một lúc mới mạnh dạn lên tiếng:
-         Anh Lê Huy! Đêm nay có ngọn đèn đây chứng giám, em xin thề với anh là từ nay trở đi, dù hoàn cảnh có tồi tệ và phũ phàng như thế nào chăng nữa, em cũng không bao giờ dời bỏ quê mình một cách nông nổi như trước.
Em khóc thành tiếng, to dần cùng với tiếng nấc, ứ nghẹn khiến lòng tôi nao nao.
Tôi hiểu đó là nước mắt, là tiếng khóc của nỗi niềm ân hận và là những giọt nước mắt đánh dấu một thời điểm trong con người em đã thức tỉnh. Tôi rung động, thổn thức trong lòng vội lắm chặt bàn tay em. Một mùi thơm nồng nàn  toát ra từ thân thể em. Tôi nghe rõ từng hơi thở toát ra từ nhịp đập trái tim em. Tôi như bồng bềnh trôi trong không trung.
Tôi bừng chợt tỉnh! Ta cứu giúp một con người để rồi người mang ơn ta chiều chuộng, thỏa mãn niềm đam mê hay sao? Điều đó hoàn toàn có thể, vì em không bao giờ từ chối và đang định như vậy để trả ơn người đã cứu giúp mình. Không! Không thể được. Nếu ta không kiềm chế mình lại thì chính ta sẽ hạ thấp ta, đâu còn là lòng cao thượng, hào hiệp. Ngay từ đầu, khi gặp em, tôi đã có ý định là cứu em khỏi hoạn nạn, thì bây giờ sao lại như thế được. Phải chững lại. Mặt tôi nóng bừng. Thần kinh đã trở lại trạng thái ban đầu, tôi nhìn thẳng vào mắt em âu yếm:
-         Huyền Mi! Anh hiểu em, anh biết em sẽ giành cho anh tất cả những gì quý giá nhất. Phải nói thật là cho đến giờ phút này anh rất thương em. Nhưng em ơi! Thương em anh phải để trong lòng. Chúng ta không thể làm khác được, mặc dù vợ con anh ở xa, không hề hay biết gì. Nếu chúng ta không dừng lại thì lương tâm mình sẽ cắn dứt mãi vì anh lừa dối vợ con. Em hãy giúp anh thực hiện điều đó, cũng như anh đã giúp em thoát khỏi hoạn nạn. Đừng để lương tâm cắn dứt và hãy để cho tâm hồn được thanh thản.
Em buông tôi ra, quay lại ghế sa lông. Tôi cũng vậy. chúng tôi ngồi mỗi người một ghế.
-         Em rất phục anh và càng đánh giá lòng cao thượng, tình thân ái của anh hơn nhiều lần như em đã nghĩ. Anh hãy tha thứ cho em! Em quá rung động trước cử chỉ hào hiệp, vô tư của anh. Em cũng đã yêu anh, yêu anh thực sự. Em đã có lỗi, chỉ một nữa là xúc phạm đến chị ở nhà.
-         Từ phút này trở đi, anh coi em như em gái trong nhà. Như vậy, sẽ đúng mức và cả hai chúng mình sẽ được thanh thản trong tâm hồn, cư xử vẫn gần gũi và được tư nhiên hơn phải không em. Thôi, bây giờ anh về phòng mình nhé. Chúc em ngủ ngon. Ngày mai chủ nhật, anh được nghỉ, em cứ ngủ thoải mái, 9, 10 giờ dậy cũng được vì bây giờ đã là 2 giờ.
Tôi về phòng mình, không sao chợp mắt được. Chắc là em cũng thao thức năm canh.
Tiếng xe máy nổ đều đều, hòa với những tiếng nhạc mở quá cỡ của quán Karaoke bên cạnh nhà nghỉ đã đánh thức tôi dậy. Lúc này là 9 giờ 30 sáng. Sau khi đi vệ sinh cá nhân, tắm gội thoải mái, tôi sang phòng em. Em đã thức giấc trước, đang tư lự ngồi bên cửa sổ.
-         Chào em! Đêm qua em ngủ có ngon không? Còn anh, về đến phòng mãi mới chợp mắt được, có lẽ là quá giấc.
-         Em cũng vậy anh ạ. Chuyện ngày hôm qua cứ như là trong mộng. Không ngờ mình đã đổi sang một trang đời mới đầy triển vong. Vui quá và xúc động nên cũng khó ngủ anh ạ.
Huyền Mi em! Kế hoạch chúng mình những ngày tới dự định thế này nhé: Anh còn làm việc tại Tổng cục ngày mai và ngày kia nữa. Thứ tư chúng mình sẽ trở  về. Hôm nay anh và em sẽ đến ga mua vé trước. Ta đi bằng tàu Thống Nhất xuôi. Em xuống ga Thanh Hóa, còn anh tiếp tục hành trình đến Đà Nẵng.
-         Vâng! Mọi sự sắp xếp ở anh hết anh ạ! Thế là em sắp được trở về quê hương gặp lại con và bố mẹ rồi. Cám ơn anh nhiều, nhiều lắm anh Lê Huy!
-         Hôm nay chủ nhật, buổi trưa chúng mình sẽ không ăn cơm, anh sẽ chiêu đãi em tại quầy hàng bia 30 Nguyễn Du. Sau đó chúng mình dạo lướt phố quần áo Trần Nhân Tông. Tại đây anh sẽ tặng em một bộ đồ làm kỉ niệm. Sắp đến Tết rồi.
-         Anh đừng mua gì cho em nữa cả. Với em thế là quá đủ. Điều mong mỏi duy nhất của em sắp được thực hiện. Anh đã tiêu tốn nhiều tiến vì em rồi.
Tôi hiểu em hơn. Từ  khi gặp và quen tôi, cho đến lúc này em đã trở về thuộc tính của một con  người lao động, đó là tình cần kiệm. Em đã hiểu sự giúp đỡ của tôi về kinh tế với em là quá nhiều, biết vậy tôi giải thích cho em yên tâm:
-         Huyền Mi em! Mọi khoản chi tiêu trong đợt công tác này anh đã chuẩn bị chu đáo từ ở Đà Nẵng. Em biết không? Anh được lĩnh tiền thưởng 2003 cũng khá, 5 triệu đồng chứ không phải là ít. Còn công tác phí tại Hà Nội, công ty cũng đã chi cho mình anh một cách tương đối thoải mái. Em này, Khi chi tiêu một khoản nào đó có ích thì không có gì phải phân vân. Em cứ yên tâm, anh tặng em một bộ đồ bình dân, em hiểu chứ? Cái đó không ảnh hưởng gì đến kinh tế của vợ con anh cả.
-         Em đã nghe ra. Mọi dự kiến, công việc theo dự định đều suôn sẻ. Hôm nay, tôi cùng em đã có mặt trên tàu Thống Nhất xuôi về Nam, đến hai miền đất đang vẫy gọi chúng tôi. Tàu tốc hành lao nhanh theo lịch trình, chẳng mấy chốc đoàn tàu sắp vào ga Ninh Bình. Tội tạm biệt em từ đây là vừa, vì chỉ có một ga nữa là đến ga Thanh Hóa, em sẽ xuống tàu ở đó và tiêp tục về huyện Thiệu Yên bằng ô tô.
Tôi  lưu luyến không muốn chia tay em.
-         Em ơi! Thế là chúng mình sắp phải xa nhau rồi! Tất cả những gì em mong muốn đều đã đến. Trước mắt em là có một tương lai đầy tốt đẹp. Anh cho em địa chỉ một người bạn trai của anh, về đến nhà, em viết thư cho anhh theo địa chỉ đó, bạn anh sẽ đưa lại cho anh. Chờ những tin vui của em. Hôm nay đã là 20 Tết rồi, anh cho em một trăm ngàn để đi tàu xe về tận nhà và có chút quà nhỏ cho con em.
-         Anh Lê Huy! Anh chu đáo quá. Em không biết làm gì để trả ơn anh. Em nguyện sẽ giữ trọn đời thề đã hứa với anh trước đây là em sẽ trở về với cuộc sống của một người lao động ở quê nhà chăm chút nuôi con.
-         Em nói đúng, được như vậy chính là em trả ơn cho anh đó.
Con tàu rít lên một hồi còn dài, báo hiệu đã vào ga Thanh Hóa. Tôi nắm chặt tay em. Em rơm rớm nước mắt. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên hai gò má, giàn giụa. Tôi kéo em dịch lại gần mình, thơm lên làn tóc mây. Hương vị ngan ngát trên mái tóc em hôm nay không phải là hương vị cay nóng tủi nhục trước đây trên đất nước người mà là những hương vị đậm đà của những ngày trên mảnh đất quê hương yêu dấu, vì em sắp được đoàn tụ cùng những người yêu thương nhất. Em đã rời toa xe bước xuống sân ga. Em còn đứng đó, vẫy theo tôi cho đến khi đoàn tàu khuất hẳn sau dặng phi lao bạt ngàn xa tắp.
Thế là đã qua đi sáu ngày sống cùng em. Về góc độ thời gian mà nói, sáu ngày trong cả cuộc đời quả là ngắn ngủi. Song những ấn tượng không phai mờ, những kỷ niệm đẹp đẽ đầy tính nhân đạo, lòng nhân ái, những cử chỉ cao thượng và hào hiệp ấy giữa tôi với Huyền Mi có lẽ trong đời tôi không có sự kiện nào khác so sánh được…
Bẵng đi một thời gian, tôi nhận được thư của Huyền Mi đúng vào rằm tháng giêng năm Giáp Thân 5/2/2004, thư gửi địa chỉ anh bạn tôi như đã viết cho em hôm chia tay. Bức thư như sau:
“Anh Lê Huy xa nhớ!
Trước hết em báo tin cho anh hay là sau 8 tiếng đồng hồ kể từ lúc tạm biệt anh ở ga Thanh Hóa, em đã có mặt tại quê hương.
Anh có biết không? Mẹ em òa khóc ngỡ như trước mặt không phải là con mình nữa. Thằng cu Tuấn Ninh thì từ xa chạy lại ôm chầm lấy mẹ, nó không khóc, nhưng cứ dụi đầu vào lòng mẹ, không muốn rời xa. Bố em đứng lặng trước hàng rào khi em xuất hiện. Tất cả  đều ngỡ ngàng và ngạc nhiên vì em đã vắng xa nhà dạo ấy đến nay  đã hơn 3 năm.
Cám ơn anh nhiều, nhiều lắm ạ! Người anh quý trọng nhất của đời em! Sau này em sẽ kể cho mọi người nghe tại sao em có người anh ấy? Chữ “sau này” ở đây em muốn nói với anh là khi cháu Tuấn Ninh đã trưởng thành em mới cho nó biết. Anh là người cha “danh dự” của cháu đấy! Vì sao? Chắc anh đoán được.
Anh ơi! Em sẽ ở vậy nuôi con, tôn thờ mãi mãi những tình cảm tốt đẹp vô giá mà anh đã dành cho mẹ con em. Em báo tin vui cho anh nhé! Em đã được nhận vào học nghề và sẽ làm tại hợp tác xã đan, dệt xuất khẩu của một Công ty quốc doanh tại thị trấn Triệu Sơn, Thanh Hóa. Anh mừng cho em đi! Đó là nguyện vọng không những của riêng em mà cũng là ước muốn của anh nữa nhỉ. Em luôn gi nhớ những lời đã thề với anh rằng sẽ trở thành người lương thiện đến tận phút chotd của cuộc đời.
Trọn  đời em nhớ đến anh. Chúc anh chị và cháu khỏe, gia đình hạnh phúc.
Tạm biệt anh,
Thiệu Yên, Thanh Hóa 1/2/2004
Em gái
Huyền Mi”

TRỐN CHẠY
Sương mù bao phủ cả một không gian rộng lớn. Đèn chiếu sáng trên đường phố bật lên sớm hơn mọi ngày. Không khí  Hà Nội vào ngày thứ bảy cuối năm hôm nay thật là tấp nập.
Hòa vào dòng chuyển động ấy, chiếc xe gắn máy bảy mươi phân khối của tôi đang bon bon trên đường Trần Hưng Đạo về phía ga. Đến gần Cung văn hóa Lao động, ngay dưới lòng đường có một người đi chầm chậm, một tay vẫy vẫy, ra hiệu cho xe dừng lại. Tôi giảm tốc độ, xe chưa dừng hẳn, một cô gái chẳng nói chẳng rằng, nhảy tót lên xe. Với vẻ sợ hãi, giọng nói gấp gáp, một tay vỗ vỗ vào vai tôi, cô cầu khẩn: Anh làm ơn phóng thật nhanh rời khỏi đây, càng xa càng tốt, em sẽ thưa chuyện với anh sau.
Câu nói vừa dứt, hai thanh niên mặc áo Natô rượt đuổi theo. Rất nhạy cảm với tình thế, tôi vù ga, bỏ lại đằng sau hai kẻ săn lùng và còn kịp nghe được lời đe dọa từ đằng sau vọng tới:
-         Con Linh kia! Liệu hồn đấy! Có ngày các bố mày tóm được cổ thì có mà chết đòn thôi con ạ!
Xe lướt nhanh theo con đường Quán Sứ, Tràng Thi, Cửa Nam thoát khỏi vòng săn đuổi, tốc độ giảm dần. Tôi hỏi em:
-         Có gì quan trọng với em thế?
Cô gái đã bình tĩnh, với giọng nhẹ nhàng như đã quen từ lâu, em thật tự nhiên:
-         Anh ạ! Chắc hẳn anh đã biết phần nào câu chuyện? Hai thẳng đuổi em lúc nãy là vệ sĩ của một tiệm giải khát trá hình gần hồ Thiền Quang. Anh cho em đi nhờ một quãng nữa, đến chỗ nào thuận tiện, anh em mình ngồi nói chuyện, lúc đó anh sẽ rõ tất cả.
Xe đã đến vườn hoa Canh Nông. Chúng tôi chọn chiếc ghế đá còn bỏ trống. Với giọng vừa đủ nghe, em vào câu chuyện:
-         Trước hết em vô cùng cảm ơn anh đã giải thoát cho em. Nếu không có anh cho đi nhờ xe, chắc hẳn là em đã bị hai thằng vệ sĩ bắt trả về cho chủ. Anh ơi! Cũng còn may mà em vẫn giữ được giấy tờ tùy thân. Em đưa cho anh xem để làm tin. Từ trong túi áo, em rút ra tấm thẻ chứng minh:
Họ, tên: Nguyễn Thị Thu Linh
Ngày sinh: 10/11/1988
Nguyên quán: Trí Trung, Phú Xuyên, Hà Tây.
Trú quán: Trí Trung, Phú Xuyên, Hà Tây.
-         Anh ơi! Người đang ngồi bên anh là một cô gái đã từng bỏ nhà ra đi. Anh  có khinh em không? Chuyện về em dài lắm anh ạ! Thật không ngờ em suýt nữa xa vào cạm bẫy của bọn kiếm tiền trên thân xác đàn bà anh ạ.
Để cho em được yên tâm, đồng thời muốn hiểu thêm cho rõ chuyện, tôi ngắt  lời:
-         Thu Linh này! Hôm nay em gặp may đấy. Anh đã dừng xe lại rất là liều, nếu không… Em à, anh là Huy Quang, kỹ sư xây dựng, nhà anh ở gần cảng Hà Nội. Anh đã có một con gái 6 tuổi. Hôm nay có việc phải xa công trình bên bờ Bắc cầu Thăng Long. Trên đường đi, tình cờ gặp em. Không ngờ em thoát khỏi nguy hiểm trong trường hợp như thế. Bây giờ anh muốn nghe em kế thật tỉ mỉ: Tại sao em lại rơi vào nhà chứa? Từ bao giờ? Trong hoàn cảnh nào? Đừng ngại ngùng gì, có thể anh giúp được gì cho em?
-         Vâng! Thưa anh, em kể từ đầu cho anh nghe nhé. Em sinh ra và lớn lên tại vùng đồng chiêm trũng, huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Nhà em cách chợ Tía chừng mười cây số. Em học hết lớp 12 và lấy chồng năm ngoài. Chồng em học lớp 4, là con một trong gia đình, được nuông chiều từ tấm bé. Anh ấy chẳng chịu làm ăn gì, suốt ngày lêu lổng, cờ bạc, rượu chè. Những lần đi chơi về khuya, say khướt, chửi mắng vợ thậm tệ. Mấy tháng trước anh ấy dùng cả cán dao rựa ghè vào hai đầu gối em đến xưng tấy, phải nằm liệt giường gần tuần lễ. Ở nhà chồng được sáu tháng, em xin tiền bố mẹ chồng đi buôn hàng chuyến… Từ chợ Tía, em mua gà, đi tàu hỏa ra Hà Nội, ngủ lại tại nhà chờ ga hàng cỏ để hôm sau bán lẻ tại ga Trần Qúy Cáp, chợ Cửa Nam. Cứ như thế, em đã có số vốn khoảng gần bốn triệu đồng. Thật là rủi ro anh ạ! Sang chuyến hàng thứ hai, ba, em đã bị lừa mất hết cả số hàng gần ba chục con gà. Thế là nhẵn túi. Em thơ thẩn như người mất hồn và không dám về quê, sợ chồng biết được, nó sẽ đánh chết mất, em có ý định là ở Hà Nội, kiếm công việc gì đó, tích lũy tiền làm vốn, rồi lại về quê tiếp tục buôn như trước. Đang phân vân, không biết tính sao đây, thì em đây thì em gặp chị Hoài Thu. Chị Thu bán nước ở ga B, Trần Qúy Cáp. Hình như cũng đã biết em bị lừa mất sạch, chị an ủi em của đi thay người, đừng buồn, chị sẽ giới thiệu em làm việc ở quá cà phê. Thế là em nhận lời với thỏa thuận: Tiền công tháng ba trăm, cơm nuôi, làm phục vụ tại quán, nói chung là những công việc hợp với sức khỏe: chạy bàn, tiếp khách và những công việc không tên.
Anh ơi! Tuy là những công việc không tên, song cũng chẳng giản đơn chút nào. Tại đây không những phải bưng bê mà còn phải cùng uống, cùng hút với khách nữa và phải chiều ý khách nữa.
Nhà hàng có nhiều ô nhỏ, được ngăn với nhau qua những tấm bình phong bằng rèm. Nếu cần, các tiếp viên cùng khách đến địa điểm khác để thỏa mãn. Vào chiều thứ bảy, chiều nay ấy bà chủ ngọt ngào với em:
-         Hôm nay cửa hàng mình có khách quý đến thăm. Mợ muốn con sẽ phục vụ ông ấy. Nhớ là phải hết sức chiều chuộng, có tiền thưởng đấy con ạ!
Nghe vậy em sợ quá, chân tay run lật bật. Chả lẽ họ thuê mình phục vụ cà phê chỉ là cái cớ, còn dùng mình để làm những việc kia là chính hay sao? Trời ơi! Biết làm thế nào bây giờ? Kêu ai mà ai nghe mình, ai cứu mình ở chốn xa lạ này. Chỉ có cách bỏ trốn, phải rồi, chỉ có bỏ trốn mới thoát khỏi cái hang ổ ma quái này.
Hôm nay sau bữa cơm chiều, em giả vở vào toa lét, chớp thời cơ hai thằng vệ sĩ mải đánh bài, em lẻn ra đường, đi thật nhanh, gần như là chạy, theo đường Trần Bình Trọng. Hai thằng vệ sĩ phát hiện được thì cũng là lúc em nhảy được lên xe anh rồi. Thật là may, chỉ chậm một chút nữa là em bị chúng tóm cổ! không ngờ người cứu em thoát lại chính là anh.
Kể đến đây, em nghẹn ngào xúc động: Hai hàng lệ tuôn trào. Có những giọt nước mắt lăn qua gò má, rơi vào tay tôi nóng bỏng. Tôi cảm nhận được đó là những giọt nước mắt của nỗi niềm uất hận về những khổ đau em đã phải nếm trải và những mất mát trong tình cảm gia đình mà giờ em đã phải nếm trải và những mất mát trong tình cảm gia đình mà giờ em rất khó lấy lại chỉ vì mất sạch vốn liếng làm ăn mà phải lưu lạc ở chốn đô thị này.
Thế đã rõ Thu Linh – cô gái mới lớn, chập chững mới bước vào đời như thế đấy. Một niềm cảm thông sâu sắc với em đang dâng lên trong tôi, tôi chạnh lòng thương cảm trước em, cô gái miền quê đang bơ vơ, thân cô thế cô giữa chốn đô thành hoa lệ. Em ra đi không một chút hành trang ngoài thân xác mình. Vì phải thật gọn lẹ để chạy chối khỏi hang ổ? Em sẽ về đâu trong đêm đông lạnh lẽo? Ta đã nghe em kể chuyện, đã thấy một người con gái có nhan sắc, bị vùi dập, gặp bao điều bất hạnh, lâm vào cảnh khốn cùng. Ta đã cho em đi nhờ xe một đoàn đường, tình cơ cứu em thoát khỏi bị bắt lại để biết vậy thôi hay sao? Ta phải làm một việc gì đó giúp em? Thu Linh, cô gái được ta cứu thoát lúc nãy, đang ngồi bên cạnh ta. Bây giờ lại bỏ mặc em, một mình giữa đêm hôm khuya khoắt? Để rồi vì hoàn cảnh, em sẽ lại bị bắt vào chốn ấy một lần nữa ư? Bây giờ ta cũng có thể tạm biệt em, em không hề oán trách, mà vẫn cảm ơn, vì ta đã cứu em khỏi săn lùng. Không! Cô gái thật tội nghiệp. Cuộc đời đầy éo le, bao điều trăn trở làm ta phải suy nghĩ day dứt trong tâm can mà không thể nào bỏ qua được. Trên con đường đổi mới, xã hội còn những khó khăn phức tạp. Ta hãy làm những gì có thể để cho bức tranh xã hội ngày một sáng sủa hơn. Tôi quyết định cứu em:
-         Em Thu Linh! Bây giờ em sẽ làm gì? Em có suy nghĩ về thời gian em đã sống ở nhà hàng ấy không?
-         Anh Quang! Em đã thoát được cảnh tôi tớ, giờ đây nghĩ lại em mới biết mình đã sống với những ý nghĩ hết sức ngây thơ, bỏ nhà ra đi cứ ngỡ rằng nơi phồn hoa đô hộ sẽ dễ dàng bớt chút cơm thừa cạnh cặn cho mình. Nào ngờ, lại còn khốn nạn bằng mấy thằng chồng em, tuy hắn có vũ phu, sống trên sức lao động của em nhưng không đến mức tán tậm lương tấm ở quá trà hình ấy. Bây giờ em cũng chưa biết mình sẽ làm gì và sẽ đi đến đâu trong lúc tâm trạng hoang mang thế này.
-         Thôi, thế này nhé – Tôi bảo em: Anh sẽ đưa về công trình xây dựng của anh phía bên bờ Bắc Thăng Long. Anh bố trí để em làm cấp dưỡng, nấu ăn cho thợ xây, để họ khỏi phải “cơm hàng, cháo chợ”. Sau này, em sẽ học phụ nề rồi thợ chính nữa. Chỉ có được một công việc ổn đinh mới thực sự thoát khỏi cảnh túng bấn, suýt dẫn em vào con đường lẫm lỗi.
Anh nói như vậy có được không?
-         Anh Huy Quang! Được như vậy thì còn gì bằng! Anh tốt với em quá! Không ngờ trên đời này cũng nhiều người tốt như vậy. Anh không những cứu thoát em khỏi hang hùm mà còn tạo cho em được một công việc lâu dài. Ân nghĩa này, biết bao giờ em trả được.
-         Không, em đừng bao giờ nghĩ như vậy. Anh làm những điều có thể làm được, em không phải trả ơn. Em hãy trả ơn anh bằng cách em hãy làm việc đó cho tốt để trở thành người lương thiện. Đó là cái ân huệ mà anh và em cùng được hưởng. Anh không mất mát gì mà có lẽ được nhiều hơn vì anh đã làm được những điều tốt đẹp. Cái được ở đây là anh muốn nói  là anh đã được thể hiện điều thiện,  điều tốt đẹp, lòng nhân ái, giữa con người với nhau, nhất là với em, một cô gái mới lớn mà đã phải chịu bao nỗi đắng cay, bị lừa lọc mất hết tiền bạc và suýt đến chỗ mất cả tâm hôn, suýt nữa bị chúng lôi kéo vào con đường xấu lúc nào không hay biết. Em tự chạy chốn, đó là một hành động dũng cảm, sức mạnh tự thân ấy nhất định sẽ giúp em vươn tới mọi gian khó sau này.
Chợt em hé cười, một nụ cười duyên dáng. Chắc là đã lâu, ở em mới lại có nụ cười như thế.
Chúng tôi rời khỏi vườn hoa lúc 22 giờ, chiếc xe máy chở tôi và em lại lại bon bon trên đường về phía cầu Thăng Long.
Bên kia bờ Bắc là công trường của tôi và những công việc ở đấy đang vẫy gọi chờ đón em.
Hà Nội, tháng 1/2004












0 nhận xét:

Đăng nhận xét